Nhau thai không thể là thuốc

Khi công nghiệp dược chưa phát triển, con người thường dùng thuốc theo cảm tính. Ngày nay có nhiều loại thuốc rất tốt, vì vậy không nên đặt rủi ro cho sức khỏe của chính mình.

Không thể xác định thời điểm nào người ta bắt đầu sử dụng nhau thai, có lẽ từ hàng ngàn năm trước. Trong y học cổ truyền, nhau thai khô gọi là “tử hà sa”. Nhau thai là cơ quan liên kết giữa người mẹ và em bé khi còn là bào thai. Nó là một phần thiết yếu của thai kỳ và được đào thải sau khi sinh con. Các chất dinh dưỡng và oxygen được truyền từ máu mẹ đến bào thai qua nhau thai. Nhau thai cũng là một hàng rào chắn giúp bảo vệ thai nhi trước nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Y học cổ truyền sử dụng nhau thai để trị cơ thể suy nhược, khí huyết hư tổn như có các bệnh lao, thiếu máu, suy nhược thần kinh, viêm phế quản kinh niên ở người cao tuổi, hen suyễn kéo dài...

Chưa có nghiên cứu nào thuyết phục

Người ta quan sát động vật có vú và thấy rằng chúng ăn nhau thai sau khi sinh (Placentophagy). Nhau thai ở động vật chứa nhiều chất dinh dưỡng và có thể bù đắp sự mất dưỡng chất trong thai kỳ, nhất là sắt. Chính vì vậy, người ta nghĩ nhau thai người cũng có giá trị dinh dưỡng tương tự.

Nhau thai không thể là thuốc - 1

Nhau thai rất quan trọng với thai nhi Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng con người luôn nhận một chế độ dinh dưỡng thích hợp qua thực phẩm trong quá trình mang thai, vì vậy không cần thiết phải ăn nhau thai để bồi bổ.

Vậy những cách chế biến nhau thai làm thức ăn bổ dưỡng có được ngành khoa học dinh dưỡng hiện đại chứng minh hay chỉ là truyền miệng dân gian? Đã có những nghiên cứ sau đây về nhau thai:

- Nghiên cứu từ Tiệp Khắc năm 1954 cho thấy uống bổ sung các chế phẩm có nguồn gốc từ nhau thai giúp tăng tiết sữa. Tuy vậy, cho đến nay đã gần 60 năm, nghiên cứu này vẫn chưa được nhân rộng.

- Một nghiên cứu từ năm 1980 báo cáo trong chuyên san Journal of Reproduction and Fertility cho thấy rằng chuột ăn nhau thai sau khi sinh có thể làm thay đổi mức độ hormone ở chuột. Tuy nhiên, sự thay đổi hormone này không đem lại ứng dụng lâm sàng nào.

- Còn rất nhiều nghiên cứu khoa học khác về nhau thai nhưng đa phần “giữa đường gãy gánh” vì các giá trị tôn giáo, văn hóa và cả giá trị khoa học.

Nhau thai là “bệnh phẩm”

Hiện có dạng nhau thai trôi nổi được bày bán trên thị trường. Câu hỏi mà người tiêu dùng luôn thắc mắc là điều này có an toàn và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không. Sử dụng nhau thai bừa bãi chắc chắn là không bảo đảm vệ sinh, chưa kể là nhau thai động vật bị bệnh dịch “giả danh” nhau thai người.

Việc xử lý nhau thai chỉ có thể được tiến hành ở bệnh viện. Lưu trữ, chế biến nhau thai tràn lan vô cùng nguy hiểm vì không thể kiểm soát được nguồn bệnh truyền nhiễm thai nhau, dễ lây như viêm gan siêu vi, HIV/AIDS… Hơn nữa, nhau thai là nơi ngăn cản các độc tố từ cơ thể mẹ đi vào bào thai, vì vậy không loại trừ khả năng độc tố còn nằm lại ở nhau thai. Theo quy định của Bộ Y tế, nhau thai được xem là “bệnh phẩm” nên việc xử lý phải tuân theo quy chế quản lý chất thải y tế.

Ngoài các bệnh truyền nhiễm thì trong bánh nhau của sản phụ (nếu bị bệnh) có rất nhiều chất, thành phần có thể gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nhiễm vi trùng, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... có thể ở tất cả các sản phẩm nhau thai được chế biến không bảo đảm hoặc khi chế biến nhau thai đó, người bào chế có thể cho hóa chất vào và không ai có thể biết đó là loại hóa chất gì, có an toàn không, nếu có gây hại thì gây hại như thế nào. Việc ngâm rượu nhau thai uống để chống lão hóa thì chưa có bằng chứng khoa học nào xác nhận. Việc ngộ độc là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, chưa kể đến những trường hợp mua trúng rượu pha methanol…

Không nên dùng

Trước đây, Việt Nam có chế phẩm từ nhau thai nhưng nay đã ngưng sản xuất. Hiện các chế phẩm được bào chế từ tạng liệu đã được thế giới khuyến cáo không nên dùng vì không có bằng chứng khoa học cụ thể.

Về mặt đạo đức và tâm linh, nhau thai là protein người, việc tiêu hóa protein người chắc chắn sẽ gây tranh cãi ở một số nền văn hóa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN