[Nhật ký từ tâm dịch Đà Nẵng] - Chuyện về "người vận chuyển" kiệt sức vì làm việc xuyên ngày đêm
Với 14 chiếc xe cứu thương nhưng ngày cao điểm nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 phải vận chuyển lên đến 150 chuyến để "sơ tán" các bệnh nhân mắc COVID-19, các ca cấp cứu, chuyển người là F1 đi cách ly.
Người ướt sũng vì cả ngày mặc đồ bảo hộ
2 ngày nay, trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh về các nhân viên thuộc Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng mệt lả, không thể đứng vững và phải nhờ đồng nghiệp cứu trợ đã gây xúc động đối với nhiều người.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đối với nhiều nhân viên của Trung tâm do cường độ làm việc quá nhiều, hàng ngày vận chuyển số lượng bệnh nhân lớn, phải mặc đồ bảo hộ nóng bức thời gian dài dẫn đến mất nước khiến sức khỏe bị ảnh hưởng.
Nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng kiệt sức được đồng nghiệp sơ cứu sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Chiều 5/8, PV có mặt tại Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng (P. Hòa Minh – Q. Liên Chiểu), chứng kiến được không khí làm việc hết công suất của đội ngũ nhân viên, cán bộ nơi đây.
BS CKI. Trần Công Thông (Giám đốc Trung tâm) cho biết, trước khi dịch bùng phát, Trung tâm có nhiệm vụ thực hiện việc vận chuyển cấp cứu trên toàn TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng thì các nhân viên luôn trong tình trạng phải căng mình làm việc.
Phải làm việc với cường độ cao, mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài khiến họ kiệt sức.
Nói về những trường hợp nhân viên bị ảnh hưởng sức khỏe, lả đi vì quá sức trong những ngày vừa qua, BS CK1 Trần Công Thông cho biết: "Trong những ngày vừa qua, đã có nhiều nhân viên bị quá sức khi làm nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân, vận chuyển người đi cách ly. Khoảng 14h chiều 4/8, các nhân viên nhận lệnh chở 3 bệnh nhân nặng mắc COVID-19 đang phải thở máy từ Bệnh viện Đà Nẵng sang điều trị tại Bệnh viện dã chiến thuộc Trung tâm Y tế Hòa Vang. Do trước đó các nhân viên đã có nhiều ngày làm việc quá sức, cường độ cao và luôn phải mang trên mình bộ đồ bảo hộ kín, cơ thể bị mất nước nên khi thực hiện xong nhiệm vụ, trở về Trung tâm cởi bỏ bộ đồ đã khiến các anh em bị choáng và ngã xuống đất".
BS CKI. Trần Công Thông (Giám đốc Trung tâm)
Theo thông tin của bác sĩ Thông, ngay trong chiều 5/8, cũng có một nhân viên khác sau khi thực hiện xong nhiệm vụ trở về, cởi xong bộ đồ bảo hộ cũng bị choáng, phải nhờ đến sự trợ giúp hồi sức của các đồng nghiệp.
"Do đặc thù công việc phải tiếp xúc với các bác bệnh nhân bị COVID-19 nặng nên mỗi lần chở người bệnh nhân viên phải mang đồ bảo hộ nhiều giờ đồng hồ làm cơ thể mất nước dẫn đến đuối sức", Giám đốc Trung tâm 115 chia sẻ.
Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng.
Chuyện nhân viên bị ngất xỉu sau khi tháo đồ bảo hộ thường xuyên xảy ra những ngày gần đây. Nhiều người dù đang còn mệt nhưng vẫn xung phong lên xe vì sợ đồng nghiệp cố gắng cũng đổ bệnh như mình sẽ không có người làm.
Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng nói: "Những ngày qua, câu chuyện y sỹ Tứ, điều dưỡng Thành, lái xe Huy, Dũng bị choáng do mất sức nhưng sau khi hồi sức lại tình nguyện lên gặp lãnh đạo xin được "lên xe" cùng anh em tiếp tục chiến đấu làm nhiều người trong đơn vị không cầm được nước mắt".
"Chạy" đến 150 chuyến/ngày
Được biết, đơn vị hiện có 91 cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc với 14 xe cứu thương. "Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng là đơn vị duy nhất được UBND tỉnh giao vận chuyển các ca bị COVID-19 và các trường hợp nghi ngờ".
Theo lãnh đạo Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng, hiện đơn vị tăng thêm thêm 5 kíp trực nhưng do lượng công việc quá lớn nên phải xoay vòng nhân viên. Với 14 chiếc xe cứu thương, trong ngày 4/8, Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng thực hiện gần 150 chuyến chở các bệnh nhân bị COVID-19 và "sơ tán" các bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng sang các bệnh viện khác.
14 xe cấp cứu nhưng ngày 4/8 vận chuyển gần 150 chuyến xe.
"Hơn 90 cán bộ, nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng chiến đấu 10 ngày nay và không ai được về nhà. Anh em phân công nhau tranh thủ ăn uống và chợp mắt tạm ở phòng làm việc hoặc hội trường rồi tiếp tục lên đường. Ngoài việc chở bệnh nhân nhiễm COVID-19, bệnh nhân tại các bệnh viện Trung tâm còn phải nhận lệnh lên đường các ca cấp cứu ngoài cộng đồng", Giám đốc Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng nói.
Có mặt tại hội trường trước đây dành để họp nhưng nay được tận dụng làm nơi ngủ, nghỉ cho các nhân viên mới thấy sự vất vả, nỗ lực của 91 cán bộ nơi này. Ai cũng mong có được giấc ngủ ngon, yên bình dưới manh chiếu cói hay tấm đệm nhỏ, nhưng dường như vẫn văng vẳng tiếng còi cứu thương.
Chỗ nghỉ tạm của anh Trần Đức Thành tại hội trường.
Anh Trần Đức Thành - nhân viên có thâm niên công tác tại đơn vị hơn 10 năm – là một trong những người từng bị choáng và cần sự cấp cứu gấp của đồng nghiệp cho biết: "Hiện tại sức khỏe của tôi cơ bản đã ổn định do được các đồng nghiệp trợ giúp kịp thời, có lẽ trong 1-2 ngày tới sẽ tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ cùng anh em".
Anh Thành nói, 1-2 ngày tới sau khi sức khỏe ổn định hơn, sẽ tiếp tục lên đường
Anh Thành chia sẻ, bản thân vợ cũng công tác trong một bệnh viện, 2 con nhỏ phải nhờ ông bà trông nom suốt những ngày qua. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát cả anh và tất cả nhân viên đều không dám về nhà bởi các anh em biết rằng bản thân có nguy cơ lây nhiễm.
Hà Nội sẽ mở rộng xét nghiệm PCR cho những người có triệu chứng nghi ngờ, biểu hiện nghi ngờ hoặc nghi ngờ mắc vì...
Nguồn: [Link nguồn]