Nhật Bản ghi nhận 415 ca tử vong do COVID-19 trong 1 ngày, Bộ Y tế lo ngại nguy cơ bùng phát dịch
Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán có thể gia tăng số mắc COVID-19, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 7 ngày qua, Nhật Bản có số ca COVID-19 lớn nhất thế giới và số ca tử vong nhiều thứ hai sau Mỹ.
Ngày 28/12, Nhật Bản đã ghi nhận 415 trường hợp tử vong do COVID-19, con số cao chưa từng có của nước này.
Dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Ngày 2/12, WHO cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch. Tổ chức này đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
(Ảnh minh họa).
Tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát và đang trở lại trạng thái bình thường mới. Dù vậy, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan. Điều này có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Trong khi đó, sự xuất hiện, tiến hóa của các biến thể mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch khó dự báo. Tỷ lệ bao phủ vắc-xin mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trung bình toàn quốc hiện tại vẫn chưa cao.
Tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên tại một số tỉnh, thành phố còn thấp. Hiện có khoảng 13 triệu người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm đối tượng cần tiêm bổ sung đã được tiêm mũi bổ sung, trong đó nhiều người không tiếp tục đi tiêm mũi nhắc lần 1 vì cho rằng chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ.
Theo Bộ Y tế, thời điểm hiện tại, sự vào cuộc và tham gia của chính quyền và các ban ngành các cấp ở một số địa phương đã giảm đáng kể, không còn quyết liệt như giai đoạn đầu dịch/chiến dịch tiêm vaccine, hầu hết là giao cho ngành y tế thực hiện. Số người mắc thời gian qua nhiều, trẻ em mắc có triệu chứng nhẹ, dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cũng lưu ý hiện nay tình hình dịch tại các nước vẫn căng thẳng và nhiều biến chủng phức tạp. Ngày 28/12, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết nước này ghi nhận 415 trường hợp tử vong vì COVID-19 trong ngày, mức cao nhất tại quốc gia này từ trước đến nay. Ngoài ra, từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc cũng mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch. Do đó, Việt Nam vẫn lưu ý phòng bệnh, tiếp tục phòng bệnh linh hoạt", TS Phu nhấn mạnh.
Cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát các biến chủng mới của virus để kịp thời ứng phó.
Việt Nam cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát các biến chủng mới bằng cách phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới, các nước trong khu vực, để kịp thời ứng phó. "Cần thực hiện chiến lược 'nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó', chuyển từ 'cấm đoán sang kiểm soát rủi ro' để vừa kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn đảm bảo việc làm ăn kinh tế, không ảnh hưởng tới an sinh xã hội", chuyên gia này nhấn mạnh.
Người dân phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Đó là đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên... Việc đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn là biện pháp tránh lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp khác. Đặc biệt, những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang quản lý nguy cơ có tính bền vững, hướng tới từng bước bình thường hóa với dịch...
Nguồn: [Link nguồn]