Nhập viện vì tưởng thực phẩm chức năng là thuốc

Nhiều người tiêu dùng lầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc và không ít người gặp họa khi sử dụng.

 

Người tiêu dùng nhẫm lẫn TPCN và thuốc 

 

Tình trạng người bệnh tự ý chọn thực phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị bệnh nhưng lại không nắm thông tin về bệnh học và tương tác giữa thực phẩm chức năng và thuốc xảy ra ngày càng nhiều, càng những người bị bệnh hiểm nghèo thì họ lại càng đặt niềm tin quá mức vào công dụng của TPCN. Nhiều người còn bỏ hẳn đơn thuốc của bác sĩ và chỉ dùng TPCN để điều trị bệnh. Điều này dẫn đến quá trình điều trị không đạt hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng bệnh tật và sức khỏe.

Nghe theo lời quảng cáo “có cánh” trên một trang bán hàng online “nâng cao bản lĩnh cho các quý ông, giao hợp không mệt mỏi”, anh Đạt (Gia Lâm, HN), quyết định mua về dùng để nâng cao “khoản ấy” cho “nở mặt nở mày” với vợ.

Tuy nhiên, sau khi dùng thực phẩm hỗ trợ yếu sinh lý này, anh phải đi cấp cứu vì… “cái ấy” không chịu xuống. Bác sĩ phát hiện máu dồn cục bộ ở bộ phận sinh dục và phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức.

Bác Bình (TP Bắc Ninh) bị ung thư gan giai đoạn đầu, nếu điều trị bằng hóa chất thì khả năng khống chế bệnh là rất lớn. Nhưng nghe nói có một loại TPCN là “giải pháp hoàn hảo” cho người bị ung thư, lại nghe người bán dẫn chứng về một vài người bị ung thư giai đoạn cuối đã năm trên giường chờ chết mà nhờ dùng loại TPCN này lại “khỏe như vâm”, nên bác cùng gia đình quyết định không điều trị hóa chất mà điều trị bằng…TPCN.

Uống hết 2 hộp TPCN, bệnh của bác Bình không những không giảm mà còn bị mẩn đỏ khắp mặt. Đi khám, bác sĩ cho biết, bác Bình đã bị tổn thương thận do sử dụng thuốc không theo đúng chỉ định, hơn nữa bệnh ung thư gan của bác vì bỏ qua "thời điểm vàng" nên đã phát triển theo chiều hướng xấu, không còn khả năng cứu chữa.

Nhập viện vì tưởng thực phẩm chức năng là thuốc - 1

Nhiều người bệnh mua TPCN về sử dụng thay thuốc chữa bệnh, điều này đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. (Ảnh minh họa)

Không chỉ hiểu sai công năng của TPCN, việc nhiều hãng sản xuất TPCN “lập lờ” trong cách ghi bao bì khiến nhiều người  bệnh tưởng lầm TPCN là thuốc chữa bệnh.

Bà Thúy, bệnh nhân ung thư vú kể: "Tôi thấy có sản phẩm ghi trên nhãn “tốt cho bệnh nhân ung thư, bệnh nhân sau hoá xạ trị, thải độc tố” cứ tưởng là thuốc. Người hướng dẫn còn bảo, sản phẩm này uống lành, sử dụng không cần đơn của bác sỹ nên tôi cũng mua dùng. Khi mua về uống một thời gian, đọc mãi mới thấy dòng chữ “Thực phẩm chức năng” ghi rất nhỏ trên góc bao bì. Tôi nghĩ, nếu sản phẩm tốt thì nên ghi rõ để người sử dụng có thể thoải mái về tâm lý khi lựa chọn”.

Trên hầu hết các bao bì TPCN nếu không có dòng chữ “sản phẩm không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh” thì phần lớn các sản phẩm này đều khiến người dùng hiểu là thuốc điều trị. Từ bao bì đóng gói (lọ, hộp) đến bào chế (viên nhộng) cho đến các chỉ dẫn (công dụng, hướng dẫn sử dụng) đều là ngôn ngữ của thuốc. Ngay cả thành phần cũng thể hiện như một sản phẩm dược. Đặc biệt người dùng rất khó phân biệt TPCN với thuốc y học cổ truyền sản xuất từ dược liệu.

Ví dụ như, một sản phẩm được ghi rõ trên bào bì về tính năng: “Giảm cholesterol, hạ huyết áp, bền vững thành mạch, giảm nguy cơ tai biến tim mạch; ngày uống 2 lần, mỗi lần 3-6 viên”. Hay một sản phẩm khác dành cho bệnh nhân gout có ghi lọ 30 viên nang với các thành phần là các dược liệu dành cho sản xuất thuốc y học cổ truyền: nhọ nồi, nhàu, hoàng bá, ba kích... Viên TPCN này được bào chế dạng viên nhộng dùng đường uống. Rõ ràng với cách thể hiện trên, không ngạc nhiên khi người tiêu dùng nhìn nhận sản phẩm này là thuốc.

Có thể tử vong nếu sử dụng nhầm thực phẩm chức năng

Theo các bác sĩ, TPCN có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị, đặc biệt là đối với bệnh mãn tính. Khi phải sử dụng thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh liều cao dài ngày, việc bổ sung TPCN sẽ giúp hỗ trợ cơ thể chịu tác động trực tiếp và gián tiếp trong quá trình điều trị, giảm bớt ảnh hưởng đối với gan, thận...

Quy định hiện hành chưa cho phép bác sĩ kê toa TPCN, vậy nên, những người sử dụng thực phẩm thường “tự biên, tự diễn”, dùng những loại TPCN “không trúng - không đúng”. Trong khi đó, TPCN cũng như bất kỳ sản phẩm nào cần phải dùng đúng chỉ định và theo khuyến cáo mới mang lại tác dụng, hiện tượng một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng quảng cáo quá tác dụng, thậm chí sai lệch so với công bố hoặc quảng cáo khi chưa được cơ quan chức năng thẩm định nội dung... đang làm cho công tác quản lý chúng trở nên phức tạp, làm cho không ít người tiêu dùng "vỡ mộng" sau thời gian sử dụng.

GS Phạm Gia Khải, hội Tim mạch Việt Nam cho hay: “Thực tế nhiều người tùy tiện dùng và bị dị ứng thực phẩm chức năng do sản phẩm không phù hợp với thể trạng. Dùng TPCN không đúng cách có thể gây dị ứng với biểu hiện xanh tím tái, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, truỵ tim mạch, có thể gây chết người.

Cũng có người bị dị ứng nhẹ hơn với biểu hiện như: trên da nổi mề đay, mẩn ngứa; trên hệ hô hấp khó thở, hen suyễn; trên hệ tiêu hoá đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; trên mắt bị viêm đỏ kết mạc…

Nguy cơ dị ứng TPCN tăng cao ở nhóm phụ nữ mang thai và thời kỳ cho con bú, các bệnh nhân mắc bệnh lý mãn tính…

Do đó, những đối tượng kể trên cần thận trọng khi sử dụng thực phẩm chức năng…”.

Tiến sỹ Trần Đáng, chủ tịch hiệp hội Thực phẩm chức năng cũng cho biết: “Người tiêu dùng cần phải hiểu đúng, dùng đúng quy tắc khi sử dụng thực phẩm chức năng.

Trước hết cần hiểu chính xác rằng TPCN không phải là thuốc, không có tác dụng để chữa trị bất kỳ một loại bệnh nào mà chỉ là loại thực phẩm có chức năng hỗ trợ thêm cho cơ thể, giảm nguy cơ bệnh tật.

Nhưng trên thực tế, số đông người dân chưa hiểu biết đầy đủ về thực phẩm chức năng, coi thực phẩm chức năng như thuốc điều trị bệnh nên sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN