Nhập viện vì tập luyện giảm cân thần tốc
Sau 1 tuần tập luyện, tình trạng đau lưng của chị N. ngày càng tăng, chị đi lại khó khăn hơn, không thể cúi người, khó ngồi dậy sau khi nằm nghỉ.
Nhập viện vì tập gym giảm cân
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận một vài trường hợp do tập luyện quá nhiều để giảm cân.
Điển hình là trường hợp chị Nguyễn Thị T, 27 tuổi, ngụ tại TPHCM đến khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) trong tình trạng đau khớp gối, cơn đau tăng lên khi ngồi xổm hoặc đi nhiều.
PGS TS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh khám và điều trị cho bệnh nhân tập luyện thể thao sai cách.
Chị T cho biết, sau khi sinh con được 1 năm, cân nặng của chị vẫn thừa hơn 8 kg so với lúc chưa mang thai. Chị cảm thấy rất lo lắng cho ngoại hình của mình nên tìm hiểu mọi cách để có thể nhanh chóng trở về vóc dáng như xưa.
Chị chia sẻ: "Theo một bài hướng dẫn trên mạng, tôi được biết leo cầu thang là phương pháp giảm cân “thần tốc” so với việc chạy bộ bình thường. Tôi cố gắng leo lên leo xuống 4 tầng nhà 10 lần/buổi sáng và 10 lần/buổi tối. Tập được 1 tháng, mặc dù tôi đã giảm được 3 kg nhưng đầu gối càng tập càng đau, đau tăng khi ngồi xổm hoặc đi nhiều. Ban đầu chỉ đau lúc vận động, sau đó cả lúc ngủ cũng đau nên tôi quyết định đến khám tại BV ĐHYD”.
Sau khi bác sĩ thăm khám, chị T được chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối sớm do tập luyện thể thao không đúng cách, cần nghỉ ngơi, thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế đi lại nhiều và leo cầu thang, nếu không thuyên giảm có thể sử dụng thêm các phương pháp điều trị nội khoa khác.
Một trường hợp khác là chị Hoàng Ngọc N, 40 tuổi, ngụ tại TPHCM bị đau lưng từ 6 tháng nay. Chị đến khám tại khoa chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD và được chẩn đoán đau lưng cơ năng.
Chị N. cho biết, do muốn giảm cân nên chị tập gym. Chị thường xuyên nâng quả tạ đến 20 kg lên cao. Sau 6 tháng, chị đau và có cảm giác như gãy đôi lưng.
Khi đi khám, bác sĩ đề nghị chị dừng ngay những bài tập quá sức và hướng dẫn chị cần nghỉ ngơi, giảm ngồi lâu, chườm ấm lưng và sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, do tính chất công việc chị vẫn phải ngồi liên tục gần như 8 tiếng/ngày, thêm vào đó chị được người bạn giới thiệu tập yoga với nhiều động tác cúi gập lưng.
Sau 1 tuần tập luyện, tình trạng đau lưng ngày càng tăng, chị đi lại khó khăn hơn, không thể cúi người, khó ngồi dậy sau khi nằm nghỉ. Chị tái khám và được chẩn đoán đau lưng cấp.
Bác sĩ lại đề nghị chị nghỉ ngơi tối đa, thay tập yoga bằng các bài tập vật lý trị liệu cột sống lưng và tạo thói quen đứng dậy đi lại, không ngồi lâu một lúc, đồng thời sử dụng thuốc.
Sau 2 tuần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tình trạng đau mỏi của chị đã cải thiện dần.
Tập luyện sai phương pháp là rước họa vào thân
Theo PGS TS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD, các môn thể thao tạo áp lực nhiều lên khớp như leo cầu thang, đá banh, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, cử tạ,…
Sau thời gian tập luyện, các khớp cần có thời gian để phục hồi nên nếu tập luyện quá mức chắc chắn sẽ làm các cấu trúc trong khớp bị tổn thương, trong đó có sụn khớp và xương dưới sụn gây nên thoái hóa khớp. Vì vậy, việc tập luyện cần đúng phương pháp và có thời gian nghỉ ngơi để tránh thoái hóa khớp sớm.
Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người trung niên và lớn tuổi. Các đối tượng nguy cơ như lớn tuổi, béo phì, có chấn thương khớp trước đó, tập luyện thể thao quá mức, và vấn đề về gen.
Đối với người trẻ khi tập luyện thể thao qua mức với phương pháp tập luyện không hợp lý gây tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn.
PGS TS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh khuyến cáo, nếu triệu chứng đau tăng lên khi vận động và thường nhiều hơn về cuối ngày, giới hạn vận động khớp, nghe các tiếng lạo xạo, lụp cụp trong khớp cần đến chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được điều trị kịp thời.