Nhập viện vì kiêng ăn tinh bột, chỉ ăn rau luộc mỗi ngày

Vì sợ béo, sợ bệnh đái tháo đường nên chị S. ăn uống rất kiêng khem sau đó phải nhập viện.

Nhập viện vì ăn kiêng

Theo BS CKI. Trần Minh Triết – Khoa Nội tổng hợp BV Đại học Y Dược, TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp ăn kiêng khem quá mức.

Bệnh nhân là chị Nguyễn Kim S., 37 tuổi, một giáo viên tiểu học tại TP.HCM. Vì sợ béo, sợ bệnh đái tháo đường nên chị S. ăn uống rất kiêng khem. Chị S. đã giảm gần như tối đa đường, tinh bột và chất đạm trong khẩu phần ăn, chỉ dám ăn rau luộc mỗi ngày.

Nhập viện vì kiêng ăn tinh bột, chỉ ăn rau luộc mỗi ngày - 1

Kiêng cơm, tinh bột quá mức sẽ bị tụt đường huyết.

Mặc dù chỉ số đường huyết ổn định, nhưng lúc nào chị S. cũng cảm giác mệt mỏi, tâm lý nặng nề. Đôi khi, chị không muốn tiếp xúc với những người xung quanh khiến công việc bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống giảm sút.

Sau khi đi khám, BV ĐH Y Dược TP.HCM khám, chị S. đã được các bác sĩ tư vấn tâm lý, chế độ dinh dưỡng giúp ổn định đường huyết.

Bà Lê Thị Ng. 50 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TPHCM khi đi kiểm tra đường huyết định kỳ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) kể cách đây 5 năm, khi đến khám tại BV ĐHYD và được bác sĩ chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2, bà Ng rất lo sợ và về nhà ăn kiêng. Bà Ng cũng kiêng ăn tinh bột, ăn đường, chỉ ăn rau trong thực đơn hằng ngày. Sau đó, bà Ng. ngày càng cảm thấy mệt mỏi, sụt cân và khát nước nhiều hơn.

Khi gia đình đưa quay lại BV ĐHYD khám thì chỉ số đường huyết đã tăng quá cao và được chỉ định nhập viện để ổn định đường huyết. Sau khi điều trị, các chỉ số đường huyết của của bà Ng. đã ổn định.

Theo BS CKI. Trần Minh Triết – Khoa Nội tổng hợp, BV ĐHYD TP.HCM những rối loạn tâm lý ở người bệnh đái tháo đường là rất thường gặp, nhưng thường bị bỏ sót trong thực hành lâm sàng.

Đây là vấn đề rất cần được quan tâm, bởi tâm lý của người bệnh là một yếu tố quan trọng trong suốt quá trình điều trị.

Nếu những rối loạn, bất ổn về tâm lý không được nhận biết, giải tỏa và tháo gỡ kịp thời sẽ khiến người bệnh đái tháo đường hoang mang, tìm đến những phương pháp điều trị không khoa học hoặc bỏ dở liệu trình điều trị giữa chừng, khiến cho tình trạnh bệnh nặng hơn và có thể xuất hiện nhiều biến chứng khác.

Nếu ăn kiêng khem quá mức có thể rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, thậm chí là trầm cảm, khiến việc điều trị khó khăn hơn và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Người mắc bệnh đái tháo đường nên ăn uống như thế nào?

Trao đổi với PV, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, người mắc bệnh đái tháo đường nên cố gắng đảm bảo ăn theo giờ nhất định, tránh bỏ bữa.

Các bữa ăn của người bị đái tháo đường luôn cần đủ 4 nhóm thực phẩm: Nhóm bột đường, nhóm đạm, nhóm béo, rau và hoa quả.

Nhập viện vì kiêng ăn tinh bột, chỉ ăn rau luộc mỗi ngày - 2

Người mắc bệnh đái tháo đường nên cố gắng đảm bảo ăn theo giờ nhất định, tránh bỏ bữa.

Lượng tinh bột đưa vào cơ thể người tiểu đường nên bằng khoảng 50-60% người thường; Hạn chế tối đa thịt hộp, patê, xúc xích... thay vào đó hãy ăn cá, trứng, sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, đậu... nên ưu tiên ăn các loại cá, ăn các loại thịt lợn, thịt bò đã lấy sạch mỡ; Tránh tuyệt đối da gà, da vịt bởi nó có chứa rất nhiều cholesterol.

Một ngày bệnh nhân tiểu đường nên ăn khoảng 400 gram rau và trái cây tươi, rau quả tươi vừa có tác dụng chống lão hóa, vừa là thức ăn bổ sung vitamin, muối khoáng tốt nhất

Ngoài ra, nên tránh xa tuyệt đối các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga, rượu, bia...

Cũng theo BS Lâm, chế độ ăn cụ thể phải dựa trên từng bệnh nhân, cân nặng, lượng đường trong máu, bệnh đã có các biến chứng hay chưa. Do vậy, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đang theo dõi và điều trị.

Cách phát hiện bệnh đái tháo đường

BS CKI. Trần Minh Triết – Khoa Nội tổng hợp, BV ĐHYD TP.HCM cho biết, người mắc bệnh ĐTĐ thường có biểu hiện triệu chứng như: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy nhanh (có thể sụt cân rất nhanh trên 5 kg trong vòng 1-2 tháng). Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng điển hình như trên mà bệnh diễn tiến một cách âm thầm không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xuất hiện biến chứng như: Vết thương nhiễm trùng điều trị mãi không lành hoặc viêm nhiễm đường tiểu, nhiễm nấm âm đạo kéo dài uống thuốc lâu không khỏi; Giảm thị lực do thoái hóa võng mạc hay đục thủy tinh thể sớm có thể dẫn đến mù lòa….

Để phát hiện bệnh ĐTĐ, người dân nên khám sức khỏe thường xuyên, nên xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm bệnh, và can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Đặc biệt, những người béo phì, người bị tăng huyết áp, mỡ máu, phụ nữ sinh con trên 4 kg cân, những người trong thời kỳ mang thai có đường trong máu và nước tiểu tăng cao là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, cần được khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh.

Ăn nhiều bánh mỳ nướng 'cầm chắc' đái tháo đường

Tại TP.HCM, một nghiên cứu cho thấy cứ 10 người trưởng thành thì có một người bị đái tháo đường. Nguyên nhân là do...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh tiểu đường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN