Nhập viện tâm thần...vì học

Hàng năm, vào kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng lại có hàng loạt học sinh, sinh viên phải nhập viện tâm thần do áp lực học hành, thi cử. Trước vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Dương Đình Phúc, Chủ nhiệm khoa Tâm thần kinh – Bệnh viện 354, hy vọng tìm ra giải pháp hữu ích để các em học sinh, sinh viên có được kết quả thi tốt nhất.

PV:  Được biết, gần đến ngày thi tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học lại có hàng loạt học sinh phải nhập viện khám và điều trị bệnh rối loạn tâm thần. Vậy xin ông cho biết nguyên nhân và hậu quả của bệnh rối loạn tâm thần ở học sinh, sinh viên là gì?

BS Dương Đình Phúc: Hàng năm,  vào mùa thi, số lượng học sinh đến khám và điều trị tại Khoa Tâm Thần kinh – BV 354 tăng lên đáng kể. Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, áp lực “đỗ đạt”  từ phía gia đình hoặc bản thân các em lại là nguyên nhân chính gây nên rối loạn stress. Một số gia đình đã  kỳ vọng cao hơn khả năng thực có của con cái điều đó tạo nên nhưng áp lực lớn cho con.  Thêm vào đó là khối lượng kiến thức lớn,  mật độ thi dày đặc cũng khiến các em căng thẳng, mệt mỏi, lâu dần nếu không được nghỉ ngơi một cách hợp lý rất có thể dẫn đến bệnh rối loạn stress hoăc nặng hơn là rối loạn tâm thần.

Nhập viện tâm thần...vì học - 1

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tâm thần. (Ảnh minh họa)

Một nguyên nhân chủ quan liên quan đến bệnh rối loạn stress của hàng loạt học sinh, sinh viên là yếu tố cơ địa của từng em. Lượng hormone có tên khoa học serotonin trong cơ thể bị giảm, nguy cơ học sinh, sinh viên mắc rối loạn trầm cảm cao. Rối loạn trầm cảm nếu không được phát hiện và điều trị kip thời bệnh tiến triển nặng  rất khó điều trị sẽ để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

PV: Biểu hiện sớm của bệnh rối loạn trầm cảm của học sinh, sinh viên là gì thưa ông?

BS  Dương Đình Phúc: Những bệnh nhân đến khám, đều trị hầu hết có biểu hiện ban đầu là đau đầu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn trí nhớ,  khó tập trung vào học hành dẫn đến không hiểu bài giảng, sức học giảm sút.  Một số trường hợp nặng sẽ xuất hiện chứng rối loạn trầm cảm. Theo tôi, áp lực học hành đối với các em có typ thần kinh kém sẽ có nguy cơ xuất hiện chứng bệnh này . Đây có thể là dấu hiệu sớm của bệnh tâm thần.

Gần đây nhất là hai trường hợp của em T, 13 tuổi quê ở Bắc Ninh và cháu Y quê ở Nam Định. Cả 2 cháu đều có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau đầu kết quả học hành giảm sút. Sau khi các cháu được BS khám, làm xét nghiệm và tư vấn về chế độ học tập, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động thể dục thể thao đến thời điểm này sức khỏe của các cháu đã ổn định.

Tôi xin lưu ý một điều đó là: Rối loạn stress ở học sinh, sinh viên nếu không được can thiệp sớm,  kịp thời  có thể dẫn đến những rối loạn trầm cảm có hành vi tự sát. Rất nhiều học sinh, sinh viên mắc chứng bệnh trầm cảm ẩn có ý tưởng tự sát mà phụ huynh không hề hay biết và rồi khi xảy ra hậu quả đau lòng thì phụ huynh mới  đi tìm nguyên nhân.

PV: Trong các dịp thi, rất nhiều phụ huynh tìm mua các loại thuốc bổ thần kinh, thuốc tăng cường trí nhớ cho con hy vọng có kết quả tốt. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

BS Dương Đình Phúc: Trên thực tế, tôi thấy có rất nhiều phụ huynh tìm mua và cho con uống nhiều thuốc được gọi là bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ mà họ không hề hay biết rằng, các loại thuốc này không những không có tác dụng mà còn có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.

Nhiều trường hợp mua thuốc không theo đơn của bác sĩ sẽ để lại hậu quả khó lường. Thuốc bổ không phải ai cũng dùng được, vì nó có nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Việc sử dụng thuốc  không theo chỉ dẫn của bác sĩ còn có thể gây hại cho các em . Theo tôi một số loại thuốc  bổ thần kinh nếu dùng lâu ngày, liều cao có thể gây tổn thương gan, thận, …

Ở lứa tuổi thanh thiếu niên là thời điểm các em phát triển mạnh về thể lực và trí lực do đó dùng thuốc bổ, thuốc tăng cường trí nhớ là điều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi không có một loại thuốc nào có thể giúp học sinh thông minh  hơn. Trí nhớ của mỗi người được quyết định bởi hai yếu tố bẩm sinh và rèn luyện. Do đó việc ghi nhớ kiến thức là quá trình học tập tích lũy lâu dài, chứ không phải dùng các loại thuốc bổ trong vài ngày, vài tuần là có được.

PV:  BS có lời khuyên nào đối với các bậc phụ huynh và học sinh giúp các em đạt được kết quả thi tuyển tốt nhất?

BS Dương Đình Phúc:  Theo tôi, để ôn thi hiệu quả, mỗi em phải tự sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi phù hợp. Trong đó, giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là lúc các tế bào thần kinh thải độc và lấy chất dinh dưỡng. Không nên học quá khuya hoặc học quá nhiều sẽ gây mệt mỏi, căng thẳng thần kinh.

Nhập viện tâm thần...vì học - 2

Phụ huynh nên dành thời gian nói chuyện và chia sẻ với con cái. (Ảnh minh họa)

Các em nên dành ít nhất 6 tiếng/ngày để ngủ và giấc ngủ phải sâu. Không nên dùng thuốc bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ bởi chỉ có một vài loại có tác dụng hỗ trợ học sinh trong thời gian ôn thi căng thẳng nhưng hiệu quả rất nhỏ.  Những học sinh có các tổn thương về gan, thận như viêm cầu thận mãn tính, viêm gan, viêm thận… tuyệt đối không dùng thuốc bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ.

Phụ huynh không nên tạo sức ép với  các con,  tránh tâm trạng lo lắng thái quá, ảnh hưởng đến sự tập trung và phân tán tư tưởng của con khi ôn thi. Cần tăng cường chế độ dinh dưỡng cho con trước và trong thời gian ôn thi.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ! Kính chúc bác sĩ sức khỏe.

Cha mẹ hãy:

- Tìm hiểu sức học của con, cùng con lựa chọn bậc học, ngành học phù hợp. 

- Coi con là người bạn để chia sẻ mong muốn và nguyện vọng của con trẻ.

- Không nên mắng mỏ, xỉ vả con khi con không  bởi làm như thế chỉ khiến con trẻ bị tổn thương nặng hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ThuTT ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN