Nhân bản xét nghiệm: Bảo vệ mạng sống và nồi cơm

Điều chưa từng có trong lịch sử ngành y tế Việt Nam đã xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoài Đức với vụ “nhân bản” hơn 1.000 phiếu xét nghiệm máu.

Nếu như việc làm hết sức nguy hiểm đó của lãnh đạo BVĐK Hoài Đức chỉ có thể giải thích là “coi trời bằng vung” hoặc “điên rồ” thì hành động dũng cảm tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa xét nghiệm của bệnh viện này, và một số đồng nghiệp là phẩm chất hết sức quý giá trong điều kiện cái xấu trong xã hội đang thị uy, lấn lướt.

Chuyện xảy ra từ tháng 7-2012 đến tháng 5-2013, thời gian đủ dài để thách thức sự kiên nhẫn của những người ngay thẳng. Chị Nguyệt nói rằng chị và nhiều cán bộ trong bệnh viện đã phải chịu đựng quá lâu, đã sống và làm việc trong một môi trường của sự độc đoán, thiếu lành mạnh trong khi hàng ngàn người dân lần lượt trở thành nạn nhân của một dịch vụ lừa đảo. Đó là lý do chị chấp nhận trả giá để quyết định đưa ra ánh sáng sai phạm động trời của bệnh viện.

Nhân bản xét nghiệm: Bảo vệ mạng sống và nồi cơm - 1

Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), nơi xảy ra sai phạm

Không chờ lâu, chị Nguyệt đã nếm trải ngay vị đắng của sự trả đũa, từ những tin nhắn có nội dung dọa dẫm đến việc tiếp cận ồn ào với vẻ uy hiếp, đòi chị rút đơn, kể cả thủ đoạn tố cáo ngược (nhưng thiếu chứng lý thuyết phục)... của những người được tin là có cùng tiếng nói trong “nhóm lợi ích”. Dẫu chịu nhiều áp lực, chị vẫn không nghiêng ngả vì lòng luôn xác tín rằng sự thật sẽ được ủng hộ và cái xấu sớm muộn cũng bị loại trừ.

Thực tế đã chứng minh điều đó. Trong những ngày rơi vào tâm trạng cô đơn hụt hẫng, chị Nguyệt đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người trong bệnh viện, dù họ chỉ thể hiện qua ánh mắt, cử chỉ, thậm chí là nỗi lo về sự an toàn của chị. Chị vui vì được tiếp thêm sức mạnh khi tai ương đang rình rập.

Và điều mà chị, những người ngay thẳng, cô thế và cả xã hội đang cần hơn cả đã xuất hiện. Trong thông báo kết luận mới đây về sai phạm ở BVĐK Hoài Đức, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xử lý gấp, nghiêm minh đối với các tập thể và cá nhân sai phạm; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích, dũng cảm đấu tranh, tố cáo các hành vi sai trái, tiêu cực trong công tác quản lý, tổ chức khám chữa bệnh tại BVĐK Hoài Đức. Đặc biệt, Thường trực Thành ủy Hà Nội giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan có biện pháp bảo vệ để người tố cáo không bị trù dập, trả thù...

Rõ ràng, bảo vệ chị Hoàng Thị Nguyệt và những ai tố cáo sai phạm ở BVĐK Hoài Đức lúc này như là mệnh lệnh của cuộc sống. Bảo vệ ở đây không chỉ nhắm đến sự an toàn tính mạng mà còn cả nồi cơm của họ và gia đình bởi nếu không, mọi nỗ lực sẽ không trọn vẹn và không còn nhiều ý nghĩa.

Chính sự bảo vệ toàn diện, triệt để như vậy đối với những người xả thân chống tiêu cực sẽ là lời tuyên chiến đanh thép đối với cái xấu, cái ác, cái tệ hại đang gặm nhấm cuộc sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CAO TUẤN (Người lao động)
Nhân bản kết quả xét nghiệm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN