Nhà khoa học đạt giải Nobel vì tìm ra insulin, cứu sống hàng triệu bệnh nhân tiểu đường
Nhờ phát hiện ra insulin, nhà khoa học này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong việc điều trị bệnh nhân bị tiểu đường.
“Tôi là một người tin tưởng tuyệt đối vào việc bạn có thể làm hoặc trở thành bất cứ điều gì bạn muốn trên thế giới này, nếu bạn sẵn sàng hy sinh, suy nghĩ, làm việc thật chăm chỉ và đủ lâu”, Frederick Banting nói.
Trong quá khứ, tiên lượng đối với trẻ mắc bệnh tiểu đường rất xấu, hầu hết đều không sống quá 1 năm kể từ lúc được chẩn đoán mắc bệnh. Ở người lớn, ít hơn 20% người bệnh sống không quá 10 năm. Điều này chứng tỏ bệnh tiểu đường từng là một căn bệnh nan y, rất nguy hiểm.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Frederick Banting, một nhà khoa học và là bác sĩ, người đồng phát hiện ra insulin – hormone quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi insulin trong cơ thể bị thiếu hụt, người ta sẽ bị bệnh tiểu đường.
Nhờ khám phá ra insulin, Frederick Banting đã cứu được hàng triệu người trên thế giới, kéo dài tuổi thọ cho họ thêm vài thập kỷ.
Lý do Frederick Banting chọn nghề y
Frederick Banting sinh vào 14/11/1891 tại Ontario, Canada. Trong thời thơ ấu, có 2 lý do khiến ông chọn nghề y.
Đầu tiên là sự cố sập nhà khiến 2 người đàn ông đang làm việc bị kẹt bên trong. Lúc này, ông đã cố chạy thật nhanh tới nhà của một vị bác sĩ trong thị trấn. Sự hiện diện của vị bác sĩ này đã xoa dịu khung cảnh hỗn loạn lúc đó.
Điều thứ 2 có liên quan tới một trong những người bạn thân nhất của ông – Jane. Jane là một cô gái trong sáng, tràn đầy năng lượng. Thế nhưng vào năm 14 tuổi, Jane bắt đầu sụt cân, luôn phàn nàn về một cơn khát không thể chịu đựng được. Jane qua đời vài tháng sau đó với chẩn đoán bị tiểu đường. Trước cái chết của bạn mình, ông cảm thấy rất đau đớn và tự hỏi tại sao không có một bác sĩ nào tìm ra cách chữa khỏi căn bệnh khủng khiếp như vậy.
Mong muốn học y của Bating ban đầu vấp phải sự phản đối của gia đình nhưng cuối cùng ông đã được chuyển sang trường Y Đại học Toronto ở Toronto, Canada.
Chiến tranh thế giới thứ I đã làm gián đoạn việc học của ông trong thời gian ngắn. Khi chiến tranh kết thúc, ông trở lại trường để hoàn thành khóa đào tạo bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Bệnh nhi ở Toronto, sau đó mở văn phòng tại London, Ontario, Canada.
Những đột phá trong việc phát hiện ra insuin
Khi công việc kinh doanh chậm lại, ông làm việc bán thời gian tại Đại học Western Ontario với tư cách giáo sư. Một trong những bài giảng của ông là về tuyến tụy.
Trước đó, Bating đã có những quan tâm rất sâu sắc tới bệnh tiểu đường. Nghiên cứu của Naunyn, Minkowski, Opie, Schafer và những người khác đã chỉ ra rằng, bệnh tiểu đường là do thiếu hormone protein được tiết ra bởi các mô bào Langerhans trong tuyến tụy.
Hormone này được đặt tên là insulin. Người ta cho rằng, insulin kiểm soát sự chuyển hóa của đường, nếu thiếu nó sẽ dẫn đến sự tích tụ đường trong máu và bài tiết lượng đường dư thừa qua nước tiểu.
Các nỗ lực cung cấp lượng insulin bị thiếu bằng cách cho bệnh nhân ăn tuyến tụy tươi hoặc chiết xuất của nó đều bị thất bại, có thể là do protein insulin trong chúng đã bị phá hủy bởi enzym phân giải protein của tuyến tụy. Do đó, vấn đề là làm thế nào để chiết xuất insulin từ tuyến tụy trước khi nó bị phá hủy.
Trong khi đang xem xét vấn đề này, Banting đã đọc trên tạp chí y khoa một bài báo của bác sĩ Moses Baron. Trong đó chỉ ra rằng, khi ống tụy được đóng lại bằng cách ghép nối trong thực nghiệm, các tế bào của tuyến tụy tiết ra trypsin bị thoái hóa, nhưng các mô bào Langerhans vẫn còn nguyên vẹn.
Điều này gợi cho Bating nhiều ý tưởng, ông đã thảo luận với nhiều người khác, trong số đó có cả JJR Macleod, giáo sư sinh lý học tại Đại học Toronto và Macleod đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất để ông nghiên cứu sâu thêm.
Tiến sĩ Charles Best, khi đó là một sinh viên y khoa, được bổ nhiệm làm trợ lý của Banting. Họ bắt đầu nghiên cứu cùng nhau về việc khám phá ra insulin.
Kể từ năm 1922 trở đi, ông được bổ nhiệm vào nhiều vị trí cao cấp về Y khoa tại Đại học Toronto, Bệnh viện Đa khoa Toronto, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện phía tây Toronto.
Trước khi nhận giải Nobel Sinh lý học hoặc Y học năm 1923, ông đã nhận được Giải thưởng Reeve của Đại học Toronto (1922). Sau đó, ông được bổ nhiệm làm thành viên của nhiều học viện và hiệp hội y tế trong nước cũng như nước ngoài. Ông được phong tước hiệp sĩ năm 1934.
Cái chết sớm ở tuổi 49
Banting yêu thích hội họa, điều này đã giúp ông thoát khỏi những áp lực liên tục mà thế giới y học đặt lên ông.
Ông đã sử dụng bút danh 'Frederick Grant' trong các tác phẩm nghệ thuật của mình. Năm 1927, ông gặp AY Jackson, một họa sĩ phong cảnh và nhanh chóng cả 2 trở thành bạn bè. Ông thường xuyên đi cùng một nhóm các họa sĩ Canada tới các vùng đất xa xôi trên thế giới để tìm cảm hứng.
Khi bị hỏi về việc vẽ tranh toàn thời gian, Banting trả lời: "Khi tôi 50 tuổi, đó là điều tôi định làm”.
Banting kết hôn với Marion Robertson năm 1924, họ có 1 đứa con tên William (sinh năm 1928) và ly hôn vào năm 1932. Năm 1937, ông kết hôn với Henrietta Ball.
Khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, Banting một lần nữa phục vụ trong quân đội Canada. Lần này ông chịu trách nhiệm điều phối nghiên cứu y tế, tập trung vào y học hàng không cũng như chiến tranh sinh học.
Vào ngày 20/2/1941, ông đáp chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đến Anh để tham khảo ý kiến về nghiên cứu mới của mình. Ngay sau khi máy bay cất cánh từ Newfoundland ở Canada, một động cơ bị hỏng, dù phi công nỗ lực hạ cánh an toàn nhưng ông bị thương nặng ở đầu và gãy tay trái.
4 ngày sau đó, lực lượng tìm kiếm phát hiện chiếc máy bay rơi và Frederick Banting được xác định đã tử vong. Khi đó ông mới 49 tuổi.
Bác sĩ Willem Kolff được coi là cha đẻ của phương pháp lọc máu. Bác sĩ người Hà Lan này đã chế tạo máy lọc máu đầu tiên (thận nhân tạo) vào năm 1943.
Nguồn: [Link nguồn]