Nguy cơ "vỡ” quỹ bảo hiểm xã hội

Nguy cơ "vỡ" quỹ BHXH và các giải pháp được các chuyên gia thảo luận trong Hội thảo Chính sách bảo hiểm hưu trí và các khuyến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra sáng 6/9, tại Hà Nội.

Nợ đọng 6.368 tỷ đồng tiền BHXH

Theo con số thống kê của BHXH Việt Nam, đến năm 2012 ước tính cả nước có khoảng hơn 10,4 triệu người tham gia BHXH với số tiền thu là 74.229 tỷ đồng. Đối tượng tham gia BHXH các năm sau dù tăng so với năm trước nhưng mới chỉ chiếm gần 20% lực lượng lao động và vẫn còn thấp hơn so với số thực tế (dự tính so với số phải tham gia khoảng 78%). 

Được biết, đối tượng hưởng lương hưu hàng năm tăng nhanh, so với năm 2007 thì năm 2012 đã tăng 1,78 lần (thêm gần 500.000 người, bình quân gần 100.000 người/năm sau khi đã trừ số giảm hưởng do chết) và số tiền chi lương hưu tăng 4,11 lần.

Dự báo, những năm tới số người nghỉ hưu hưởng từ quỹ BHXH càng nhiều, số chi từ quỹ sẽ tăng nhanh và tương lai gần quỹ sẽ mất cân đối. Đến năm 2023 số thu bằng số chi. Từ năm 2024 trở đi để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải sử dụng thêm số kết dư mới đảm bảo đủ chi. Và đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả. 

Thêm vào đó, tình trạng nợ, chậm đóng BHXH vẫn xảy ra khá phổ biến. Tính đến 31/12/2012, số nợ đóng BHXH là 4.274 tỷ đồng và tính đến tháng 7/2013 số nợ đóng BHXH tại 63 tỉnh, thành phố con số này lên tới 6.368 tỷ đồng, chiếm 7,83% số phải thu trong năm 2013).

Nguy cơ "vỡ” quỹ bảo hiểm xã hội - 1

Tình trạng nợ, chậm đóng BHXH vẫn xảy ra khá phổ biến

Nhiều ý kiến cho rằng, mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH. Bên cạnh việc kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế thì một số đơn vị khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp ngành xây dựng, hàng hải, thủy lợi và giao thông vận tải. Các ngân hàng thương mại chưa thực hiện trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp nợ BHXH để đóng BHXH theo quy định...

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, với dân số ước đạt khoảng 90 triệu người vào năm 2013, đứng hàng thứ 13 trên thế giới, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Tận dụng thời điểm này để cải thiện các chỉ số an sinh xã hội, trong đó việc mở rộng phạm vi và tăng cường tính bền vững của hệ thống BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

"Quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng yêu cầu.Vì vậy, cần tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, tính toán để sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn là hết sức cần thiết", ông Lợi nhận định.

Gỡ vướng cho Quỹ BHXH như thế nào?

Dự án Luật BHXH sửa đổi đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2014 và thông qua vào kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra vào cuối năm 2014. Do đó, việc tính toán các giải pháp để đảm bảo cân đối nguồn quỹ BHXH cũng như đảm bảo quyền lợi, công bằng cho người tham gia BHXH là rất cần thiết.

Tại Hội nghị, đa số các đại biểu tham dự hội thảo bày tỏ quan tâm là tuổi nghỉ hưu và mức đóng bảo hiểm. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu, cụ thể là đã đưa ra 2 phương án quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng.

Ở phương án 1, từ năm 2016 trở đi, đối với CBCCVC cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ.

Phương án 2, từ năm 2016 trở đi, CBCCVC cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Độ tuổi để hưởng lương hưu trong trường hợp suy giảm khả năng lao động tăng thêm 5 tuổi so với quy định hiện hành.

Nhìn từ góc độ người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, một trong những vướng mắc hiện nay là người tham gia BHXH trên 20 năm, chưa đủ tuổi về hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi), nếu bị ốm nặng mặc dù có nguyện vọng cũng không được giải quyết trợ cấp BHXH một lần. Thêm vào đó, loại hình BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn người lao động tham gia và quy định về mức đóng còn khá cao so với đại bộ phận người làm nghề tự do và nông dân.

Theo ILO, để đảm bảo sự bền vững tài chính lâu dài (trong 50 hoặc 100 năm tới) thì việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 và mức chi cho lương hưu giảm là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại việc thực hiện ngay lập tức tất cả các khuyến nghị của ILO về BHXH là điều không thể đối với Việt Nam bởi đây là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu người lao động Việt Nam. Do đó cần phải được nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo và có bước đi thích hợp. 

Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng nên xây dựng chính sách bảo hiểm hưu trí đa tầng với nhiều hình thức bảo hiểm hưu trí đa dạng, linh hoạt, hỗ trợ lẫn nhau. Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người, nhất là người lao động trong các trường hợp rủi ro kinh tế và rủi ro xã hội khác, trong đó hình thức bảo hiểm hưu trí bổ sung chính là một giải pháp.

Còn ông Mai Đức Chính đề xuất giữ quy định BHXH một lần như hiện nay và bổ sung thêm đối tượng người tham gia BHXH trên 20 năm, chưa đủ tuổi về hưu, bị bệnh nặng (ung thư hoặc bệnh nan y) thì được hưởng BHXH 1 lần. Thêm vào đó, việc mở rộng diện bao phủ BHXH cần phải đi đôi với việc quản lý tốt đối tượng, tránh tình trạng chỉ thu được tiền BHXH từ số lao động do doanh nghiệp tự đăng ký, còn đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (có HĐLĐ dưới 3 tháng) thì chưa nắm bắt được đầy đủ. 

Việc mở rộng diện bao phủ BHXH cần phải đi đôi với việc quản lý tốt đối tượng, tránh tình trạng chỉ thu được tiền BHXH từ số lao động do doanh nghiệp tự đăng ký, còn đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (có HĐLĐ dưới 3 tháng) thì chưa nắm bắt được đầy đủ.

"Theo tôi, không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện và có chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện để người lao động được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động", ông Chính cho biết thêm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Khánh (Giaothongvantai.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN