Nguy cơ viêm da do kem chống nắng

Nắng nóng gay gắt những ngày qua làm tăng mạnh nhu cầu sử dụng mỹ phẩm chống nắng. Chuyên gia khuyến cáo các sản phẩm này, nếu dùng không đúng cách, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da.

Chị Phan Thị Ngọc ( Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) là nhân viên PR, thường xuyên phải đi lại. Năm nay nắng nóng đến sớm nên, ngay đầu hè, chị đã dùng khá nhiều các sản phẩm dưỡng da, chống nắng.

Nguy cơ viêm da do kem chống nắng - 1

Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng các loại kem chống nắng tăng.  Ảnh: Nguyễn Hoài.

Theo chị Thu Trang, quản lý cửa hàng mỹ phẩm Hàn Quốc ở phố Bạch Mai (Hà Nội), mấy ngày nay, người tìm mua mỹ phẩm dưỡng da, chống nắng tăng nhiều. Mua nhiều hơn cả là sữa rửa mặt, kem dưỡng da và các loại kem chống nắng.

Các loại kem có chức năng ba trong một (vừa dưỡng da, vừa chống nắng vừa là phấn nền) bán khá chạy bởi sự tiện lợi và hiệu quả. Chị Vũ Bích Phượng, quản lý chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Khánh Vân (Hà Nội) cũng cho hay kem chống nắng bắt đầu bán chạy ở chuỗi cửa hàng của chị.

Hiệu quả đến đâu

Nhiều sản phẩm chống nắng được quảng cáo giúp làm ngăn ngừa hư tổn da và phục hồi làn da tổn thương, nuôi dưỡng làn da trắng hồng từ bên trong. Tuy nhiên thực tế không ít khách hàng lại vỡ mộng. Chị Phan Thị Ngọc sử dụng sản phẩm chống nắng của Sunlight nhưng thấy không hiệu quả là bao.

“Cách hiệu quả hơn cả là cần hạn chế tối đa việc đi ra ngoài”, chị Ngọc nói. Chị Hương Thu (Triều Khúc, Tân Triều, Hà Nội) cho hay: “Mình có sử dụng sản phẩm chống nắng nhưng da có dấu hiệu khô rát sau đó bóc vẩy. Mình đi khám ở Bệnh viện Saint Paul thì được biết là do cơ địa không thích hợp”.

Theo bác sỹ Trần Văn Định, một tuần trở lại đây, các ca bệnh về da đến khám và điều trị tại BV Saint Paul, tăng mạnh. “Trước đây, chỉ 40 ca một ngày. Nay, mỗi ngày Khoa Da liễu tiếp nhận 60-70 bệnh nhân.

Mấy hôm nay lên trên 80 ca”, BS Định nói và cho biết thêm, vài trường hợp trong số đó mắc bệnh viêm da tiếp xúc do dùng mỹ phẩm và sản phẩm chống nắng.

BS Định cho hay, một số người có cơ địa da dễ bị dị ứng khi tiếp xúc với các sản phẩm mỹ phẩm, chất hóa học. Riêng với kem chống nắng có chất chống tia UBV cũng có thể gây ngứa da. Một số khác bị viêm da tiếp xúc do dùng kem chống nắng sai cách hoặc sử dụng sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Chọn kem phù hợp cơ địa

Theo BS Định, người sử dụng cần phải chú ý sử dụng sản phẩm chính hãng đồng thời chọn loại kem chống nắng phù hợp với cơ địa da. Dùng hằng ngày thì nên chọn loại SPF (Sun Protection Factor - yếu tố bảo vệ khỏi tia cực tím của mặt trời) từ 15 - 50.

Người có tàn nhang thì nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPE trên 30. Nếu có nhiều mụn trứng cá thì nên dùng kem chống nắng dạng xịt để tạo sự khô thoáng, tránh bít, tắc nghẽn lỗ chân lông.

Với trẻ em chỉ nên sử dụng các sản phẩm chống nắng có chỉ số SPE từ 15-30. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc ra nắng trong khoảng thời gian từ 10-16 giờ hằng ngày, thời điểm mà tia cực tím UVA và UVB hoạt động mạnh nhất, có thể gây ung thư da.

Việc sử dụng kem chống nắng, vẫn theo bác sỹ Định, phải đúng với liều lượng được hướng dẫn.

Có trường hợp sử dụng kem chống nắng quá ít hoặc dùng kem chống nắng trôi nổi làm cho người dùng khi đi tắm nắng bị viêm da do ánh nắng với triệu chứng bỏng rát, phồng rộp.

Chị Vũ Thị Phượng, quản lý cửa hàng mỹ phẩm Khánh Vân, cho hay bản thân kem chống nắng giúp người sử dụng chống bỏng rát khi ra nắng chứ không phải là chống đen da. Vì vậy không nên hiểu lầm việc sử dụng chống nắng sẽ giúp chống đen da.

Cũng theo chị Phương, việc sử dụng kem chống nắng không đạt được tác dụng một phần là không sử dụng đúng cách. Để đạt hiệu quả cần bôi kem 15 phút trước khi ra ngoài.

Nếu có thể bôi thêm một chút nước hoa hồng trước khi sử dụng kem chống nắng cũng sẽ giúp đạt hiệu quả cao hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN