Nguy cơ tử vong vì thuốc giả
Dù các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý các cơ sở, mua bán thuốc giả nhưng những mặt hàng siêu lợi nhuận này vẫn tiếp tục “ tấn công” người bệnh.
Bùng nổ các loại thuốc giả
Tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành Phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng phát hiện thuốc giả và đã gửi rất nhiều văn bản đến các cơ sở y tế nhưng tình trạng mua bán thuốc giả vẫn diễn ra.
Các loại thuốc giả bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian vừa qua cũng rất đa dạng trong đó phổ biến nhất là thuốc stugeron dùng phòng chống say sóng, say tàu xe, say máy bay, phòng ngừa và điều trị đau nửa đầu. Ngoài ra, các loại thuốc có dạng viên nén Fugacar dùng xổ giun, thuốc Levitra 20mg chữa chứng rối loạn cương dương, thuốc tiêm Voltarén® 75mg dùng điều trị giảm đau, viêm khớp mạn tính cũng bị các cơ sở làm giả và bày bán tràn lan. Tuy nhiên, có rất nhiều loại thuốc giả bị phát hiện đang lưu hành trong cả nước không biết sản xuất ở đâu.
Thuốc có dạng viên nén Fugacar dùng xổ giun cũng được làm giả. (Ảnh: PNO)
Tại Hội thảo “Thuốc giả từ thực tiễn đến hành động” do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/10, ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Khi kỹ thuật càng phát triển thì tình trạng thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu rất phổ biến và có diễn biến khá phức tạp. Thuốc giả và thuốc kém chất lượng ngày càng được làm giả một cách tinh vi, nếu nhìn bằng mắt thường rất khó để phát hiện”.
Nếu theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế, Cao Minh Quang thì ngay cả các bác sĩ và người nhà bệnh nhân không thể nhận biết được đâu là thuốc thật, thuốc giả. Nếu thuốc giả bị biến chất, tá dược và hoạt chất bị sai, không đảm bảo độ tinh khiết nên không an toàn cho người sử dụng.
Bệnh nặng hơn vì thuốc giả
Theo ông Nguyễn Văn Viên, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng vẫn kiểm tra thuốc kém chất lượng và khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, phân phối đến người dân ở các vùng miền trong cả nước. Tuy nhiên, ông Viên cũng thừa nhận: “Tình trạng sản xuất thuốc giả vẫn chưa bị xử lý nghiêm nên thuốc giả vẫn còn “đất sống”.
Nói về hậu quả của thuốc giả, Ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Thuốc giả gây ảnh hưởng đến nhà sản xuất và các hãng dược chân chính và gây hại người sử dụng. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa không đủ hàm lượng dược chất thì người dùng bệnh càng nặng hơn thậm chí dẫn đến tử vong”.
Bệnh nhân nhập viện vì sử dụng thuốc giả. (Ảnh minh họa)
PGS. Nguyễn Đăng Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội thì cho rằng: “Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng thì bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng kháng thuốc và tử vong”. Ông Hòa so sánh: “Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên đến 1/10. Trong đó điều nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc”.
Trước tình hình thuốc giả đang bùng nổ trên toàn cầu, các chuyên gia y tế khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chỉ nên mua thuốc ở các quầy cố định có biển hiệu rõ ràng.
Theo WHO, thuốc giả là thuốc được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Việc làm giả có thể áp dụng cho cả sản phẩm thương mại và sản phẩm gốc. Các sản phẩm giả có thể bao gồm sản phẩm đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc với bao bì giả. Tại Việt Nam, theo thông kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, số lượng thuốc giả đã phát hiện trong năm 2011 là 31 mẫu; trong đó 11 mẫu tân dược, bao gồm cả nhập khẩu và sản xuất trong nước. Trong số 48.261 mẫu thuốc kiểm tra năm 2011 thì có đến 940 mẫu thuốc giả. |