Nguy cơ nhiễm độc chì từ son môi
Dù VN chưa có nghiên cứu cụ thể về việc nhiễm độc chì có liên quan tới son môi, song việc phát hiện những ca bệnh liên quan đến sản phẩm được sử dụng khá phổ biến này khiến nhiều người lo ngại.
Chị em nên sử dụng son môi có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng để bảo vệ chính mình - Ảnh: Tạ Tôn
Ngỡ ngàng nhiễm độc chì vì thói quen dùng son đỏ
Mới đây, theo chia sẻ của PGS, TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, một nữ MC đã bất ngờ hỏi ông rằng, liệu cô có bị nhiễm chì không khi có nhiều biểu hiện như: Mất ngủ, táo bón, hay quên... Sau khi kiểm ta nồng độ chì, kết quả cho thấy, lượng chì trong máu cao gấp 3 lần cho phép; Viền lợi quanh răng chuyển màu đen xám, lấp ánh kim loại. “Sau khi loại trừ việc nữ MC không dùng thuốc nam, không thường xuyên tiếp xúc với các nguồn nhiễm chì khác, thì được biết cô ấy thường có thói quen đánh son màu đỏ hàng ngày”, ông Duệ cho hay. Như vậy, khả năng cao nữ MC đã nhiễm độc chì vì dùng son môi có nhiễm chì. Tuy nhiên, ông Duệ cũng cho hay, ngoài trường hợp nữ MC này, ông cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào về nhiễm độc chì có liên quan đến việc thường xuyên dùng son môi nhiễm chì.
"Chì hấp thụ vào cơ thể qua 4 con đường chính như: Tiếp xúc lâu dài qua da; Qua hô hấp do hít thở hàng ngày từ bụi sơn chì, hơi xăng xe; Qua tiêu hóa và chì có thể ngấm vào cơ thể qua nhau thai, sữa mẹ…”. PGS. TS. Phạm Duệ |
Mang thông tin này đi khảo sát, chia sẻ với PV Báo Giao thông, chủ shop mỹ phẩm trên đường Nguyễn Công Hoan (Ba Đình, Hà Nội) khẳng định: “Son nhà chị cung cấp có nguồn gốc rõ ràng. Bao nhiêu người dùng son nhà chị bán có sao đâu”. Không ngạc nhiên nhiều với thông tin son nhiễm chì, một khách hàng có mặt tại đây cho hay: “Theo em biết, hầu hết các loại son đều chứa một lượng chì nhất định. Nếu có trường hợp ngộ độc chì vì son chắc cũng là hy hữu. Tuy nhiên, hầu hết son em dùng đều có thương hiệu nên chắc cũng yên tâm”.
Theo BS. Duệ, việc nhiễm độc chì ở người lớn thường nhẹ và dễ điều trị đào thải hơn. Tuy nhiên, nếu để ngộ độc chì mạn tính, chì lắng đọng trong các bộ phận của cơ thể thì cũng khó đào thải, ảnh hưởng đến sức khỏe. “Nếu có dùng son, chị em nên lựa chọn những hãng mĩ phẩm có thương hiệu, được kiểm duyệt chất lượng bởi Bộ Y tế, để đảm bảo hàm lượng chì trong mỹ phẩm, cụ thể trong son nếu có vẫn trong giới hạn cho phép. Bởi, trên thực tế, không thể biết được son nào nhiễm chì hay không bằng mắt thường”, ông Duệ khuyến cáo.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các nhà nghiên cứu đã phát hiện 75% mẫu son thu được có chứa kim loại độc hại, trong đó có chì và cadmium. Đáng nói, trong đó có rất nhiều mẫu son của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng. Kết quả cũng chỉ ra rằng, việc thoa son chỉ cần hai đến ba lần mỗi ngày là có thể đưa vào cơ thể 20% lượng chì ở mức cho phép. Điều này có nghĩa, nếu bạn thoa trên 10 lần, bạn có thể bị ngộ độc chì bất cứ lúc nào. Tùy thuộc vào son môi và thói quen của mỗi người, có những người thoa son đến 15-20 lần/ngày là rất phổ biến. Việc đó đã vượt quá giới hạn kim loại được phép đưa vào cơ thể.
Thâm môi cũng vì son nhiễm chì
Chị Nguyễn Hồng Th. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không ngờ thói quen đánh son lại khiến màu môi chị biến đổi, loang lổ, nhiều chỗ thâm đen. Càng như vậy chị lại càng dùng son để che đi màu môi biến sắc của mình. Chị Th. cho hay, trước không có điều kiện kinh tế, chị thường tiện son nào dùng son nấy, sau này thì hay dùng son handmade. Đến gần đây, đưa con đi khám da liễu, chị tiện khám luôn thì được biết màu môi thâm đen, loang lổ của chị là do ảnh hưởng từ loại son có nhiễm chì. Chính chị cũng đã mang thỏi son mình đang dùng đến viện để nhờ bác sĩ kiểm tra (test) hàm lượng chì. Tuy nhiên, bác sĩ cho hay chỉ các trung tâm xét nghiệm lớn mới test được hàm lượng chì có trong thỏi son này hay không.
Theo TS. Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc BV Da liễu T.Ư, môi thâm có nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên phải kể đến chính là do thói quen dùng lâu dài loại son môi có chứa hàm lượng chì cao. “Thông thường, thành phần của son môi bao gồm sáp, dầu, chất tạo màu và tạo mùi. Chất tạo màu có hai loại: Màu thực phẩm và bột màu. Thực tế, chì không được bổ sung vào mỹ phẩm phục vụ con người vì bất kỳ mục đích nào. Tuy nhiên, hàm lượng chì lại thường xuất hiện trong chất tạo màu dạng bột, đặc biệt là màu đỏ, cam. Ngoài ra, chì còn xuất hiện dưới dạng tạp chất của các thành phần làm nên son môi như dầu paraffin, vaseline cũng như các oxit kim loại như kẽm oxit và titan đioxit. Đó là lý do vì sao, mặc dù chì là chất cấm đưa vào mỹ phẩm, tuy nhiên nó vẫn có mặt trong các sản phẩm làm đẹp”, ông Doanh phân tích.
Được biết, FDA quy định lượng chì trong phẩm màu sử dụng để điều chế son rất chặt chẽ. Mức phẩm màu được phép dùng cho son là dưới 20ppm (khoảng 20 miligram chì/kilogram son, tương đương 20 phần triệu). Theo BS. Nguyễn Quang Minh, BV Da liễu Hà Nội: “Về cơ bản bất kỳ sản phẩm nào có thành phần độc hại vượt ngưỡng đều có thể gây hại cho sức khỏe. Chính vì vậy, các sản phẩm, kể cả mỹ phẩm cần phải được quản lý, cấp phép đảm bảo chất lượng trước khi lưu hành trên thị trường. Bên cạnh việc quản lý, người tiêu dùng cũng nên có ý thức sử dụng các sản phẩm có nhãn, mác, nguồn gốc, chất lượng được cấp phép để bảo vệ chính mình”.