Nguy cơ ngộ độc rượu vì ham nhậu

Trong tiệc nhậu thì thứ đồ uống không để thiếu là rượu. Thế nhưng không ít người tử vong ngay tại bàn nhậu do ngộ độc rượu.

Tuy nhiên, chất lượng của rượu ra sao, nhất là đối với các rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe người tiêu dùng. Một công bố của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, trong số các trường hợp tử vong của năm 2012 do ngộ độc thực phẩm thì có đến 26% do ngộ độc rượu...

Nguy cơ ngộ độc rượu vì ham nhậu - 1

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai). Ảnh: Trần Minh

Tử vong ngay tại bàn nhậu vì ngộ độc rượu

Cách đây không lâu, tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An), ông Phan Văn Ríp rủ 3 người bạn cùng nhậu. Khi uống hết 1 lít rượu, những người nhậu chung ra về. Riêng ông Ríp đã ở lại và mua thêm 2 lít rượu rủ một người bạn uống tiếp. Tuy nhiên, hai ông đã rót rượu ra ca để uống chứ không dùng ly nhỏ. Và rồi, chỉ vài giờ sau khi uống rượu vô tội vạ, ông Ríp đã tử vong ngay tại bàn nhậu.

Trên thực tế, trường hợp tử vong vì nguyên nhân do rượu của ông Ríp không phải là thiểu số vì theo thống kê của Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, trên toàn quốc đã ghi nhận 164 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 5.400 người mắc, 33 người tử vong. Trong số này, tử vong do ngộ độc rượu chiếm tới 26%.

Chỉ tính riêng trong quý IV/2012, cả nước ghi nhận 5 ca tử vong do ngộ độc thực phẩm, trong đó có 2 ca tử vong vì ngộ độc rượu. Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP, thông tin từ một số Chi cục ATVSTP địa phương gửi đến Cục về tình hình ngộ độc  rượu cho thấy, có gia đình xảy ra đám tang của người chồng vì ngộ độc rượu, thì khi làm ma chay, can rượu mà người chồng uống vẫn còn, bà vợ lại mang ra uống và tiếp khách!

TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai cho biết, thông thường vào dịp cuối năm và sau Tết nguyên đán, số ca ngộ độc rượu vào điều trị tại trung tâm thường chiếm khoảng 30% tổng số bệnh nhân ngộ độc. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc rượu tăng cao nhất thường là nam sinh viên.

Nguy cơ ngộ độc rượu vì ham nhậu - 2

Một trường hợp bị ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Đã cảnh báo nhưng vẫn… điếc không sợ súng!

Theo ông Phong, tập quán sử dụng rượu không rõ nguồn gốc... còn phổ biến và rất khó thay đổi. 3 loại rượu thường gặp nhất ở các vụ ngộ độc là rượu trắng (27,8% số vụ), rượu trắng có hàm lượng methanol cao (30,6%) và rượu ngâm cây rừng độc (16,7%). Để cải thiện tình trạng này, ngoài việc giám sát ATVSTP thì việc tuyên truyền thay đổi tập tục rất quan trọng.

Trên thực tế, mặc dù Cục ATTP đã liên tục đưa ra các con số tử vong do ngộ độc rượu để cảnh báo, thế nhưng người dân vẫn cứ phớt lờ. Rất nhiều người có thói quen hễ có khách là mua rượu về đãi, hoặc khi ra quán nhậu là gọi rượu uống mà không cần quan tâm đến nguồn gốc của rượu ra sao, có đảm bảo an toàn hay không. Về nguyên nhân, đa số ca ngộ độc, tử vong do ngộ độc rượu là do uống rượu tự nấu không rõ nguồn gốc.

Trước thực trạng này, mặt hàng bia - rượu - nước giải khát cũng là 1 trong 6 nhóm hàng nguy cơ cao sẽ được cơ quan chức năng đẩy mạnh giám sát, thanh kiểm tra ATVSTP từ nay đến Tết nguyên đán. Riêng tại Hà Nội, Chi cục ATVSTP thành phố Hà Nội hiện cũng đã lấy nhiều mẫu rượu trên thị trường, bao gồm cả rượu ngoại nhập và rượu tự nấu để gửi kiểm nghiệm hàm lượng ethanol, methanol... xem có đảm bảo đúng quy định hay không.

Thống kê của Cục ATTP cho thấy, trong vòng 5 năm từ 2007 - 2012, cả nước xảy ra 196 vụ ngộ độc rượu, làm 249 người mắc, 66 người tử vong. Cục ATTP cũng cho biết, nạn nhân bị TNGT đường bộ có tới 62% có nồng độ cồn trong máu cao, 34% nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ có nồng độ cồn trong máu cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà (Tuổi trẻ)
Ngộ độc thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN