Nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng
Bộ Y tế cho biết, dự báo bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, từ đầu năm cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc tay chân miệng tại 62 địa phương, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, vẫn có 1 số tỉnh mắc cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Ông Long cho biết, dự báo bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.
Đến nay, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường công tác phòng chống dịch, bệnh tay chân miệng.
Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng trong thời gian tới
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt, thực hiện 3 sạch: ăn sạch, uống, chơi sạch, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín, tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh tay chân miệng tại gia đình và cộng đồng.
Công văn đề nghị phối hợp giữa ngành y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng. Chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý ổ dịch không để bùng phát.
Bộ Y tế yêu cầu tổ chức thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt không để lây chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác. Đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Để phòng, chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện một số biện pháp như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.
Bộ Y tế khuyên các bậc phụ huynh thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Các bậc cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.