Người Việt mất 1,5 triệu lít máu/năm vì giun
Ngày 29-11, Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế đã phối hợp với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng trung ương cùng tổ chức Đông Tây Hội Ngộ triển khai dự án “Phòng chống các bệnh giun truyền qua đất thông qua cải thiện vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân tại một số tỉnh của Việt Nam”.
Chiến dịch tẩy giun hàng loạt diễn ra trong 2 ngày (28 và 29-11) cho khoảng 700.000 học sinh tiểu học tại 4 tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ và Nghệ An. Mục tiêu của dự án là giảm tỉ lệ nhiễm các bệnh giun truyền qua đất; nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ y tế và cộng đồng về phòng chống các bệnh giun truyền qua đất; cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.
Các em học sinh Trường Tiểu học Hạ Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình được uống thuốc tẩy giun
Tổ chức Y tế thế giới ước tính Việt Nam có hơn 8,5 triệu trẻ em bị nhiễm hoặc có nguy cơ bị nhiễm các loại giun truyền qua đất như giun đũa, giun tóc, giun móc. Nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân kém, như đi tiêu bừa bãi còn phổ biến, nhất là vùng nông thôn, miền núi.
Trong khi đó, theo thống kê của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng trung ương, hiện Việt Nam có hơn 45 triệu người nhiễm giun. Hằng năm, người dân Việt Nam mất 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực vì giun. Nhiễm giun gây thiếu máu, thiếu các vi chất, học không tập trung, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần cho người bệnh, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ có thai. Giới chuyên môn khuyến cáo người dân nên tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần để phòng các bệnh do nhiễm giun đường ruột.