Người từng mắc COVID-19 khi nào nên đi khám?
Bệnh nhân hậu COVID-19 đang trở thành vấn đề y tế sau giai đoạn mắc dịch. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo, không phải bệnh nhân nào từng mắc COVID-19 cũng gặp di chứng. Người bệnh không nên hoang mang chỉ cần đi khám khi có các triệu chứng bất thường để chủ động phát hiện điều trị di chứng và các bệnh lý khác.
Người từng mắc COVID-19 chỉ nên đi khám khi có các biểu hiện nặng của di chứng
Hơn 500 nghìn người TPHCM mắc COVID - 19
Sau 2 tuần được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 16, ông Lê Thanh Phong (63 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) đã có kết quả âm tính, được xuất viện. Tuy nhiên, ông Phong thường xuyên phải đối mặt với tình trạng suy hô hấp, hụt hơi, chỉ đi bộ được vài chục mét đã thấm mệt. Ông đến Bệnh viện Đại học Y Dược thăm khám hậu COVID-19 và được bác sĩ đề nghị tiếp tục quá trình vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Một trường hợp khác là bệnh nhân Trần Thảo Hiền (39 tuổi, ngụ tại quận 7, TPHCM) từng mắc COVID-19 cách ly, điều trị tại nhà. Chị Hiền cho biết, sau khi khỏi bệnh sức khỏe vẫn bình thường nhưng khi vận động nhiều thì có cảm giác hụt hơi. “Gần đây tôi thấy nhiều người từng mắc COVID-19 đi khám thì phát hiện bị xơ phổi nên bản thân cũng rất lo lắng. Tôi đã đăng ký gói khám tổng quát tại một bệnh viện tư nhân để kiểm tra xem mình có gặp vấn đề bất thường nào hay không”, chị Hiền nói.
Theo TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng TPHCM, hầu hết di chứng hậu COVID-19 xảy ra ở những bệnh nhân nặng và nguy kịch trước đó. Các di chứng thường gặp nhất ảnh hưởng đến chức năng hô hấp cấp và hô hấp mạn tính, một số di chứng về tim mạch, bệnh lý xuất huyết não, nhồi máu não, stress, lo âu, rối loạn giấc ngủ.
Bệnh viện Phục hồi Chức năng đã tiếp nhận, điều trị hơn 1.000 ca gặp các di chứng hậu COVID-19, trong đó 341 ca mức độ nặng cần điều trị nội trú, số còn lại điều trị ngoại trú. Tương tự, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám vì vấn đề sức khỏe hậu COVID-19 với các biểu hiện mệt mỏi, suy nhược cơ thể, tinh thần lo lắng.
BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố đã có hơn 500.000 người dân mắc COVID-19. Những người từng nằm viện hầu hết là bệnh nhân từ mức độ trung bình đến nặng, nguy kịch. Thực tế trên đã đặt ra nhiều nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho cộng đồng.
Cơ thể cần thời gian bình phục
Bên cạnh những người cần được khám và hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng, tâm lý lo lắng đang xuất hiện ở hầu hết bệnh nhân từng mắc COVID-19. BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM cho biết, trên thực tế nhiều người đang quá lo lắng dẫn đến tình trạng đổ xô đi kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19. Lợi dụng tình hình này, một số đơn vị đã mở ra những khóa dịch vụ phục hồi chức năng hậu COVID-19 với mức giá trên dưới 15 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, điều này có thực sự cần thiết hay không là vấn đề đặt ra cho mọi người.
Phân tích của BS Hữu Khanh chỉ ra, hậu COVID-19 xảy ra ở những người đã từng mắc bệnh, đặc biệt là những người bệnh nặng đến nguy kịch phải trải qua quá trình hồi sức. “Đây là tình trạng tương tự như hậu nhiễm trùng, trong đó có những người từ khu hồi sức hết bệnh nhưng không đủ sức khỏe để về nhà, phải chuyển qua điều trị phục hồi chức năng, các vấn đề sức khỏe liên quan chặt chẽ đến những di chứng do thở máy, nằm lâu, teo cơ, xơ phổi”- bác sĩ Khanh nói.
Cũng theo BS Khanh, sau khi mắc bất kỳ loại bệnh nào, cơ thể cần có thời gian bình phục. Những người hậu COVID-19 khi khó thở cần bình tĩnh và kiên trì tập thở, chủ động tăng cường dinh dưỡng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Trường hợp bị mất mùi nên tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, vỏ chanh có mùi hương. Người bị rụng tóc cần bổ sung thêm thuốc kẽm, B Complex.
Người bị ho cần kiểm tra những tác động từ thời tiết, bệnh lý hen suyễn, cảm cúm để loại trừ nguyên nhân do hậu COVID-19. Người có biểu hiện đau nhức xương khớp, cơ thể nên sử dụng thuốc xoa bóp, tăng cường tập luyện vận động. Chỉ nên đi khám hậu COVID-19 khi đã tăng cường nhiều giải pháp nhưng biểu hiện bệnh vẫn kéo dài.
Trong nhóm di chứng hậu COVID-19 có những trường hợp đối mặt với các vấn đề bệnh lý tâm thần do phải trải qua những ngày nguy kịch trên giường bệnh. Bệnh nhân cần bình tĩnh lấy lại thăng bằng trong cuộc sống và chủ động hợp tác với bác sĩ trong các liệu trình điều trị, tuân thủ phác đồ sử dụng thuốc hỗ trợ để sớm bình phục sức khỏe.
Sở Y tế TPHCM sẽ lập mô hình tháp 3 tầng để chủ động chăm sóc, điều trị bệnh nhân hậu COVID-19. Trong đó, tầng 1 là cấp y tế cơ sở, tiếp nhận bệnh nhân nhẹ; tầng 2 là bệnh viện tuyến quận, huyện chăm sóc người bệnh mức độ trung bình; tầng 3 gồm bệnh viện chuyên khoa sâu và đa khoa tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Nguồn: [Link nguồn]
6 tuần sau khi xuất viện, bệnh nhân mệt và suy nhược, chỉ cần đi chưa đến 10 bước là nồng độ oxy trong máu SpO2 từ...