Người trẻ cũng đãng trí

Tại nhiều cơ sở y tế, có khoảng 20%-30% người trẻ đến khám về trí nhớ, trong đó nhiều trường hợp ở độ tuổi mới mười tám, đôi mươi

Suy giảm trí nhớ là bệnh thường gặp ở người già nhưng nay lan sang cả người trẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của một bộ phận được xem là tương lai của nước nhà.

“Mất dữ liệu” đột ngột

Mới đây xảy ra một chuyện khá hy hữu: Anh Đ.V.T (32 tuổi) trên đường đưa con đến lớp mầm non đã ghé vào đổ xăng. Đổ xong, anh lên xe đi luôn mà không nhớ gì đến đứa con. Chiều, anh T. lại đến trường đón con như thường lệ. Tuy nhiên đến nơi, anh mới té ngửa khi cô giáo cho biết hôm nay con anh không đi học. Lúc này, anh T. mới giật mình nhớ ra là đã bỏ quên con tại cây xăng hồi sáng. Rất may cháu bé được người dân xung quanh phát hiện giao cho cơ quan chức năng và nhờ đó gia đình anh T. đã đến nhận lại con an toàn.

Người trẻ cũng đãng trí - 1
Rượu bia là tác nhân khiến người trẻ gặp vấn đề về trí lực
 

Chị H.T.L.T (39 tuổi) là một trường hợp khác. Gần đây, chị T. luôn khổ sở vì chứng hay quên của mình. Làm kế toán trưởng ở một công ty, chị luôn xác định công việc của mình cần sự chuẩn xác cao về con số, dữ liệu, không được phép sai sót dù là nhỏ nhất. Thế nhưng mới đây, chị mắc phải sai lầm khiến lãnh đạo công ty giận dữ. Chuyện là vị phó giám đốc công ty đã ký, giao cho chị giữ một tập séc giá trị lớn và yêu cầu chuẩn bị các thủ tục để ông đi công tác xa. Đến ngày đi, ông yêu cầu đưa cuốn séc thì chị tìm không ra dù lục tung hàng đống giấy tờ, sổ sách. Sau một lúc huy động nhân viên cả phòng tìm kiếm mới phát hiện tập séc nằm trong bìa sơ-mi đặt ngay trên bàn làm việc của chị!

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp suy giảm trí nhớ đang xuất hiện ở một bộ phận giới trẻ. Cuộc sống căng thẳng với những áp lực từ công việc ở cơ quan, gia đình khiến không ít người rơi vào tình trạng này. Tại phòng khám về nội thần kinh ở các cơ sở y tế, người bệnh đến khám vì bị chứng hay quên ngày càng đông. Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM lâu nay chỉ khám cho những người trung niên với hội chứng đãng trí nhưng 2 năm trở lại đây, số người trẻ đến khám ngày càng nhiều. Có ngày, trong số 150 người được khoa khám nội thần kinh bệnh viện này tiếp nhận có đến 50% (độ tuổi chừng 18-35) mắc chứng suy giảm trí nhớ.

GS Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, cho biết bệnh suy giảm trí nhớ đang tấn công người trẻ tuổi như giới nhân viên văn phòng, học sinh - sinh viên… Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo bệnh đang ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng nhiều triệu người trên thế giới và dự báo tăng lên 1 tỉ người vào năm 2050. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 20%-30% người trẻ đi khám có vấn đề về trí nhớ.

Lối sống là “thủ phạm”

Theo các chuyên gia thần kinh, não bộ phát triển mạnh nhất ở độ tuổi 22 và chỉ kéo dài 5 năm sau đó. Từ đó trở đi, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào thần kinh bị hủy đi mà không sản sinh thêm. Do phải hứng chịu sự tấn công gốc ôxy tự do khiến các chức năng não dần rối loạn, dẫn đến suy giảm trí nhớ. Bệnh này ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng cuộc sống. 50% số người bị suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ 3 năm sau đó. Khoảng 10% trường hợp suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành Alzheimer.

PGS-TS-BS Nguyễn Thy Hùng, Phó Chủ tịch Hội Thần kinh học TP HCM, cho biết xu hướng trẻ hóa người bệnh suy giảm trí nhớ là đáng báo động. “Thủ phạm” của suy giảm trí nhớ do các yếu tố thời đại như căng thẳng, thức ăn nhanh, rượu bia và chất kích thích, béo phì, ô nhiễm môi trường… Tuy vậy, nhiều người chủ quan không đi khám bệnh, thậm chí có đến 91% bệnh nhân suy giảm trí nhớ không được chú ý điều trị.

Các chuyên gia lưu ý cần nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh suy giảm trí nhớ để can thiệp từ gốc. Người bệnh cần thay đổi lối sống, hạn chế áp lực, quên đi phiền muộn, tạo điều kiện nghỉ ngơi, tránh stress, giảm cân, hạn chế rượu bia... Ngoài chế độ dinh dưỡng, thực phẩm hợp lý giàu dưỡng chất như sắt, đạm và nguyên tố vi lượng (vitamin E, C, B1, kẽm) để hỗ trợ và ngăn chặn sự thoái hóa não thì nên thường xuyên rèn luyện trí lực bằng cách đọc sách, chơi trò chơi trí tuệ, học kỹ năng giao tiếp xã hội, cộng đồng. “Người lớn tuổi hay quên vì “ổ cứng” đã đầy thông tin nhưng với người trẻ tuổi mà “mất dữ liệu” quả là điều tai hại” - một bác sĩ ví von.

Theo các bác sĩ, bệnh đãng trí nếu điều trị kịp thời ở giai đoạn nhẹ thì khá đơn giản và ít tốn kém nhưng khi đã chuyển sang bệnh lý tâm thần thì việc điều trị vừa phức tạp, kết quả lại rất hạn chế.

Đãng trí do tắc nghẽn tuần hoàn máu

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng TP HCM, các bệnh lý tổn thương não (chấn thương sọ não, nhiễm trùng não, rối loạn mỡ máu...) cũng khiến mắc chứng đãng trí, hay quên. Nghiên cứu mới đây của trung tâm cũng cho thấy có đến 80% phụ nữ đến khám bị rối loạn lipid máu. Chính sự rối loạn này đã góp phần gây ra sự tắc nghẽn quá trình tuần hoàn của máu lên não khiến người bệnh hay quên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thạnh (Người Lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN