Người ta trò chuyện những gì khi đến phòng chạy thận?

Sự kiện: Sống khỏe

Có một nơi khi chia tay người ta luôn nói “hẹn gặp lại” và nếu lần sau người kia không đến thì người còn lại biết bạn mình đã không còn nữa trên đời. Đó là phòng chạy thận nhân tạo ở bệnh viện...

Chiếc giường trống và nỗi đau mất bạn

Nằm trên giường bệnh tại khoa Nội thận-Miễn dịch ghép của BV Nhân dân 115, TP.HCM để chạy thận nhân tạo, ông Dương Tẩn chia sẻ: “Tôi là giáo viên, bị suy thận mạn từ năm 40 tuổi. Hai năm sau tôi phải vào BV Nhân dân 115 để chạy thận thường xuyên. Tới nay đã 20 năm”.

Gương mặt hốc hác, dáng người tiều tụy, ông Tẩn kể ông là một trong những bệnh nhân chạy thận lâu nhất ở đây. Do vậy, ông quen không ít người đồng cảnh ngộ. Từ lạ lẫm ban đầu, dần dần ông và họ thân quen như người một nhà.

“Bệnh nhân suy thận mạn như chúng tôi đều chung một suy nghĩ là phần số tới đâu hay tới đó. Do vậy, chúng tôi dễ bi quan, ít chuyện trò. Thế nhưng khi đã thân quen, chúng tôi dễ bộc lộ tình cảm. Chúng tôi thường chia sẻ chuyện gia đình, chuyện con cái và động viên nhau cố vượt qua nỗi buồn bệnh tật” - ông Tẩn trầm ngâm.

Trong thời gian chạy thận nhân tạo, ông Tẩn quen thân với bệnh nhân Bình, 60 tuổi, nhà ở TP.HCM. Do chạy thận cùng ngày, cùng giờ, lại nằm cạnh giường nên hai ông trò chuyện đủ điều. Không chỉ vậy, trái cam, cái bánh… cũng được chia đôi. “Mỗi khi chạy thận xong, trước khi ra về tôi và ông Bình hẹn hôm tới gặp lại để tiếp tục chạy thận. Sau cái bắt tay, chúng tôi vui vẻ và nhận thấy cuộc đời thật đáng sống. Và chúng tôi cùng cố gắng sống lành mạnh, làm theo lời khuyên của bác sĩ (BS) để kéo dài thời gian gần gũi với gia đình” - ông Tẩn bộc bạch.

Ngặt nỗi bệnh nhân suy thận mạn dễ bị biến chứng tim mạch và… rất mong manh. Ông Bình cũng nằm trong số đó. “Hôm đó đúng giờ, đúng ngày tôi tới BV để chạy thận. Nhìn qua giường ông Bình thấy trống huơ trống hoác, linh tính tôi mách bảo có điều không hay. Quả đúng vậy, lát sau cô điều dưỡng nói ông Bình vừa mất do nhồi máu cơ tim. Tôi nghe mà lặng người. Vậy là tôi với ông Bình hết hẹn gặp trong BV nữa rồi…” - ông Tẩn rưng rưng.

Người ta trò chuyện những gì khi đến phòng chạy thận? - 1

Điều dưỡng kiểm tra thiết bị chạy thận nhân tạo cho bà Bùi Thị Tỵ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Báu vật cuộc đời

Tương tự như ông Tẩn, bà Bùi Thị Tỵ (64 tuổi, ở TP.HCM) cũng chết lặng khi hay tin người bạn cùng chạy thận nhân tạo qua đời do suy tim. Gắn mình với giường chạy thận hơn 10 năm, bà Tỵ quen khá nhiều bệnh nhân đồng cảnh ngộ. “Trong số những người cùng hoàn cảnh, tôi thân nhất bà Mai (60 tuổi, ở tỉnh Bình Dương). Chúng tôi thường tới sớm để trò chuyện, hàn huyên. Có lần bà Mai còn mời tôi về quê dự đám cưới cháu ngoại. Lúc đó tôi vui lắm!” - bà Tỵ nhớ lại.

BV Nhân dân 115, TP.HCM hiện có 65 máy chạy thận. Mỗi bệnh nhân chạy trong vòng bốn tiếng. Hiện ở đây thường xuyên có 400 bệnh nhân chạy thận (cách ngày chạy một lần) và 300 bệnh nhân lọc màng bụng (2-4 tuần/lần). Bệnh nhân lớn nhất là 90 tuổi.

Bệnh nhân suy thận mạn dễ tử vong do biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, suy tim…). 

Tới giờ chạy thận, mặc dù có con cháu đi cùng nhưng bà Tỵ và bà Mai vẫn thích dìu nhau vào tận giường bệnh. “Người suy thận mạn thường trầm cảm, sống nép mình. Thế nhưng một khi tìm được người tâm giao thì dễ cởi lòng, trao nhau những câu chuyện gia đình. Mỗi lần vô BV chạy thận là bà Mai mang ít cây trái ở quê lên tặng tôi. Riêng tôi lúc thì chai nước, khi ổ bánh mì… gửi bà Mai. Tình cảm chị em cứ gắn chặt ngay trong BV” - bà Tỵ trải lòng.

Mỗi lần chạy thận xong, bà Tỵ và bà Mai bịn rịn chia tay. Bàn tay run rẩy, gân guốc của hai bà đan xen không muốn rời. Sau khi lên xe, hai bà dặn dò giữ gìn sức khỏe và hẹn gặp lại, cũng tại phòng chạy thận. “Hôm đó tôi tới BV để chạy thận như thường lệ. Ngồi hoài không thấy bà Mai tới, tôi nóng cả ruột. Lát sau con bà Mai gọi điện thoại cho tôi và báo bà Mai vừa qua đời lúc sáng do suy tim. Tôi nghe mà rụng rời tay chân” - bà Tỵ sụt sùi.

Kể từ hôm đó bà Tỵ mất đi người bạn đồng cảnh ngộ. Giờ đây, mỗi lần tới BV chạy thận, lòng bà nặng trĩu. “Nhiều lúc tôi chẳng thiết ăn uống, thuốc thang gì nữa nhưng nghĩ đến người thân, gia đình, tôi lại gắng gượng sinh hoạt theo lời khuyên của BS” - bà Tỵ nói bằng giọng rất buồn.

Mỗi ngày chạy thận theo lịch, phòng lọc thận BV Nhân dân 115, TP.HCM có hàng chục bệnh nhân đến rồi về, mang theo bao điều hy vọng. Và mỗi khi người này thấy giường người kia trống, họ lại thở dài. Nhưng nghĩ đến nhịp sống ngoài kia hối hả, nghĩ đến người thân, gia đình, họ lại phải mỉm cười lạc quan. Bởi sự sống tự nó đã là báu vật đáng trân quý nhất của con người…

Chiếc xe lăn đóng bụi ở góc phòng chạy thận

Có thể nói bệnh nhân suy thận mạn hầu như sống trong BV suốt đời vì phải luôn chạy thận nhân tạo. Không chỉ giữa bệnh nhân với bệnh nhân mà giữa bệnh nhân và BS, điều dưỡng cũng có sự gắn bó, thân tình vì luôn gặp nhau.

Người ta trò chuyện những gì khi đến phòng chạy thận? - 2


Nhiều xe lăn đóng bụi bởi chủ nhân đã mất do biến chứng của suy thận mạn. Ảnh: TRẦN NGỌC

Không ít bệnh nhân suy thận mạn do phải chạy thận nhân tạo suốt đời nên đã mua xe lăn để di chuyển vì sức khỏe ngày một yếu. Xe lăn có ghi tên bệnh nhân và để ở góc phòng. Một khi thấy xe lăn nào đóng đầy bụi là BS, điều dưỡng biết bệnh nhân đó đã qua đời. Mỗi lần đi qua nhìn thấy chiếc xe lăn đóng bụi ấy, lòng BS và điều dưỡng lại rưng rưng…

BS TẠ PHƯƠNG DUNGTrưởng khoa Nội thận-Miễn dịch ghép BV Nhân dân 115, TP.HCM

Bệnh thận ảnh hưởng tới tình dục thế nào?

Thận và các bệnh lý về thận cũng như các hệ thống khác trong cơ thể đều có ảnh hưởng đến hoạt động tình dục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRẦN NGỌC ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN