Người sống bằng nội tạng của… heo

Sự kiện: Bệnh tim mạch

Nuôi cấy và ghép tạng heo cho người sẽ mở ra hy vọng cho rất đông bệnh nhân trên toàn thế giới.

Theo trang Frontline, mỗi năm có khoảng 150.000 người trên thế giới được điền thêm vào danh sách chờ được nhận hiến tim, thận và gan. Hết một nửa số bệnh nhân này qua đời vì không tìm ra được người hiến tạng phù hợp. Ở khắp các châu lục, ngành giải phẫu ghép tạng vẫn chưa thể nào bắt kịp nhu cầu hiến tạng ngày càng tăng nhanh.

Tinh tinh sống được gần 1.000 ngày sau ghép

Giáo sư ngành giải phẫu học, đồng thời cũng là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cấy ghép sinh học, BV Tổng hợp Massachusetts, David Sachs từ năm 2006 đã bắt đầu nghiên cứu cách thức cấy ghép nội tạng của heo vào cơ thể động vật linh trưởng. Phương pháp mà ông cố phát triển về cơ bản là sự kết hợp giữa việc nuôi cấy nội tạng trong những chú heo cỡ nhỏ “đặc biệt” được biến đổi gen cho phù hợp; và việc cấy ghép các mô tế bào đề kháng của heo vào cơ thể loài linh trưởng để tăng khả năng hệ đề kháng vật chủ không cố đào thải nội tạng dị chủng vừa được ghép.

Cho đến nay, chỉ mới có da và van tim heo là được sử dụng để ghép vào cơ thể người. Theo Technology Review, khi ghép tạng giữa người và người, các bác sĩ thường có thể hạn chế quá trình đào thải bằng cách chọn lọc nội tạng cùng loại mô tế bào với người nhận và sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch liều cao. Thế nhưng các bộ phận được ghép giữa các động vật khác loài, tức ghép tạng dị chủng, lại bị tấn công miễn dịch nhanh và nghiêm trọng hơn nhiều và thường nhanh chóng bị đào thải.

Trong bài viết hồi tháng 10-2006 của tạp chí Technology Review, thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), vật thí nghiệm của ông thời gian đó chỉ có thể sống sót sau khi ghép tạng lâu nhất là 83 ngày. Con số đó vẫn còn quá xa so với cột mốc một năm sống sót sau khi ghép tạng mà Sachs đặt ra để bắt đầu nghĩ đến việc thử nghiệm chính thức trên con người. Sachs cho rằng dẫu còn vấp phải nhiều khó khăn, phương pháp ghép tạng heo cho người chính là giải pháp ngắn hạn tối ưu nhất để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn hiến tạng.

Nhưng mới tháng 8-2015 vừa qua, theo Technology Review, các nhà khoa học đã kéo dài thành công thời gian sống của một con tinh tinh được ghép tạng heo lên đến 945 ngày. Trước đó, một công trình nghiên cứu cũng xác nhận một ca ghép thận heo cho tinh tinh với thời gian sống lên đến 136 ngày. Các thí nghiệm này đều sử dụng nội tạng từ các cá thể heo đặc biệt đã được ghép thêm năm mã gen của con người nhằm ngăn quá trình đào thải tạng dị chủng.

Người sống bằng nội tạng của… heo - 1

 Đầu tư hàng triệu USD, bà Martine Rothblatt đang giúp đưa ý tưởng ghép nội tạng heo cho người thành hiện thực. Ảnh: GETTY IMAGES

Hàng triệu USD cho những bầy heo đột biến gen

Những chú heo đột biến gen đang được nuôi tạo ở thị trấn Blachksburg, bang Virginia bởi Công ty công nghệ sinh học United Therapeutics. Người sáng lập và đồng tổng giám đốc điều hành của công ty, bà Martine Rothblatt từ bốn năm trước đã chi ra hàng triệu USD cho thí nghiệm nội tạng heo và nhanh chóng trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu ghép tạng dị chủng. Con gái của bà Rothblatt cũng là một nạn nhân của căn bệnh ung thư phổi, với nhu cầu cần phải được ghép phổi càng sớm càng tốt.

Bà Rothblatt cho biết mục tiêu lớn nhất của bà là tạo ra “một nguồn cung cấp nội tạng cấy ghép vô hạn” và thực hiện thành công phẫu thuật cấy ghép thận heo cho người trong một vài năm tới. Trước các thí nghiệm thành công vừa qua, nhiều nhà nghiên cứu cũng đồng tình với Rothblatt rằng phương pháp ghép tạng heo cho người đang ngày một trở nên khả thi. Bác sĩ chuyên về phẫu thuật ghép tạng người Thụy Sĩ Leo Bühler nhận định: “Tôi nghĩ phương pháp này đáng để cân nhắc”. Leo còn cam đoan sẵn sàng thực hiện ngay một ca ghép tạng bằng phương pháp này nếu như bệnh nhân của ông quá tuyệt vọng.

Ông Muhammad Mohiuddin - thành viên Chương trình Nghiên cứu giải phẫu tim mạch, thuộc Viện Tim, Phổi và Máu Hoa Kỳ cho biết: “Những bước tiến này có thể mở ra tia sáng hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân đang chờ được hiến tạng”. Theo tờ The Telegraph, nếu phương pháp này thành công, việc giải phẫu ghép tạng sẽ được thay đổi hoàn toàn. Không những sẽ không còn tình trạng thiếu hụt nguồn hiến tạng mà người ta còn có thể thay thế các tế bào sản sinh ra insulin để chữa trị bệnh tiểu đường.

Bà Rothblatt cho biết: “Chúng tôi muốn sản xuất nội tạng hàng loạt, đạt mức hàng chục đơn vị mỗi ngày”. Rothblatt đã mua lại Công ty Revivicor với giá 8 triệu USD vào năm 2011. Bà còn lên kế hoạch xây dựng một cơ sở có khả năng nuôi 1.000 chú heo biến đổi gen một năm, một trung tâm phẫu thuật quốc tế và cả một sân bay trực thăng có khả năng cung cấp “tốc hành” cho bất kỳ nơi nào đang cần ghép tạng.

Xuất hiện những cá thể “nửa người nửa thú”?

Các chuyên gia phẫu thuật ghép tạng cho biết một trong những khó khăn lớn nhất mà các nghiên cứu ghép tạng dị chủng đối mặt là mức chi phí cao ngất ngưởng cần có để tiến hành. Một ca phẫu thuật ghép tạng dị chủng có thể tốn đến 100.000 USD và cần đến tám người tham gia thực hiện. Đó là chưa tính đến chi phí nuôi giữ các cá thể linh trưởng.

Tuy nhiên, các khó khăn về tài chính và khoa học không phải là vật cản lớn nhất đối với tương lai của phương pháp cấy ghép dị chủng. Bà Rothblatt cho rằng phương pháp này sẽ phải vượt qua rất nhiều mâu thuẫn rất lớn trong các quy định và quan niệm về đạo đức khoa học để được chấp nhận ứng dụng vào thực tế.

Theo trang Medical News Today, trong cuộc khảo sát tiến hành năm 2004 bởi Viện Nghiên cứu chính sách Anh, phần đông ý kiến xã hội đều nhìn nhận về phương pháp cấy ghép dị chủng một cách tiêu cực. Rất nhiều đối tượng trả lời còn cho rằng việc ghép tạng động vật cho người thậm chí không đáng được đưa vào danh sách khảo sát. Bên cạnh các lý do về đạo đức, phần đông công chúng lo ngại phương pháp này có thể tạo điều kiện cho những loại bệnh vốn chỉ có trên động vật bắt đầu lây truyền sang người.

Tại nhiều quốc gia mà điển hình là Nhật, việc nuôi tạo các động vật lai với gen của người được quy định là trái pháp luật. Hãng tin BBC cho biết đa số người dân Nhật đều phản đối ý tưởng tạo ra các giống lai “nửa người nửa thú” như thế. Nhiều nhà hoạt động vì quyền động vật cũng không đồng tình việc xây dựng nên các “trang trại nội tạng người”.

Những sự bất đồng này lớn đến mức một chuyên gia trong lĩnh vực cấy ghép dị chủng tại Nhật - GS Hiro Nakauchi của ĐH Tokyo đang cân nhắc chuyển qua Mỹ tiếp tục làm việc nếu như luật pháp Nhật không thể điều chỉnh phù hợp với nghiên cứu của ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Anh (Pháp luật thành phố)
Bệnh tim mạch Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN