Người phụ nữ nhiễm vi khuẩn rất khó điều trị khỏi bệnh sau 5 tháng chạy chữa khắp nơi, sức khỏe suy kiệt
Các bác sĩ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công cho bệnh nhân nữ (55 tuổi, ở Hải Phòng) bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng sau khi đi chữa nhiều nơi không khỏi.
Bệnh nhân là chị Phạm Thị H. ở thành phố Hải Phòng bị mắc bệnh viêm mô bào vùng hậu môn, vùng bẹn. Trước khi vào Bệnh viện Bạch Mai, chị đã hai lần điều trị và phẫu thuật tại hai bệnh viện khác.
Theo lời kể của bệnh nhân, lúc đầu chị thấy vùng kín xuất hiện mụn nhỏ, có đau nhức, hơi sốt nên đã đến bệnh viện ở Hà Nội để thăm khám. Tại đây, chị H. được tiểu phẫu để trích mụn và được dùng kháng sinh sau điều trị.
Khi xuất viện về nhà được vài hôm, chị H lại xuất hiện mụn sưng đỏ khác cạnh vết thương cũ với các biểu hiện sốt, đau đớn giống lần trước nên chị H được người nhà đưa đến một bệnh viện khác để thăm khám.
Ở cơ sở y tế này, chị H được chỉ định nhập viện ngay. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt lọc lấy hết mủ và cũng chỉ định dùng kháng sinh. Khi vết thương lành, chị H xuất viện về nhà chưa được bao lâu thì lại xuất hiện mụn nhỏ ngay cạnh vùng kín gần hậu môn.
TS.BS Đoàn Thu Trà khám cho bệnh nhân H.
"Lúc này tôi quá lo lắng, chán nản nên đến tiếp một bệnh viện khác để được thăm khám. Các bác sĩ cũng chỉ định dùng kháng sinh và chỉ định chờ theo dõi rồi mổ tiếp. Tôi đã điều trị dai dẳng trong suốt 5 tháng liền, sức khỏe suy kiệt, đau đớn, chán nản" - chị H nói.
Không yên tâm với tình trạng của bệnh nhân, người nhà đưa chị H đưa vào Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám và điều trị.
TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H cho hay: "Khi tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, rét run, những vết nhiễm trùng sưng, chảy mủ, nhiễm khuẩn huyết rất nặng. Điều đặc biệt, bệnh nhân rất mệt, chán nản, lo sợ bất an, mất niềm tin vì không hiểu sao đi đến nhiều bệnh viện lớn, chuyên khoa mà không thể chữa được bệnh này. Thậm chí bệnh nhân còn lo lắng liệu mình có phải mắc ung thư hay bị một cái bệnh gì ác tính hay không?".
Sau khi có kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, lấy dịch mủ cấy cho thấy bệnh nhân H bị viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn huyết do nhiễm tụ cầu kháng methicilline nên một số kháng sinh thông thường không có tác dụng.
TS.BS Đoàn Thu Trà đang chia sẻ về ca bệnh nhiễm vi khuẩn tụ cầu.
Không chủ quan với vết thương hay trầy xước nhỏ
Tụ cầu vàng là một loại vi khuẩn tụ cầu có tính độc cao, có thể kháng với nhiều loại kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được trị liệu kịp thời.
Vi khuẩn tụ cầu vàng luôn xuất hiện trên tay, chân, cơ thể mỗi người, bình thường chúng không gây hại, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, có vết cắt hoặc vết trầy xước, vết đứt, vết nứt trên da… các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào các lớp bên dưới da và gây ra tổn thương viêm, nhiễm trùng.
Chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân H, TS.BS Trà cho biết: "Phát hiện sớm khi chuyển bệnh thì sẽ không có những biến chứng. Ví dụ, bệnh nhân phát hiện bệnh ngay từ đầu thì tổn thương sẽ không lan rộng, không phải chịu biến chứng trong nhiều tháng và trải qua nhiều lần mổ.
Với bệnh nhân H, thêm một thách thức nữa là việc lựa chọn kháng sinh để điều trị tụ cầu. Việc sử dụng đúng liều kháng sinh giúp điều trị tụ cầu methicilline cần phải phối hợp với các đơn vị như: ngoại khoa, dược lâm sàng... để đưa ra được phác đồ điều trị hiệu quả, ngay cả việc thay băng cho bệnh nhân như thế nào cũng được xem xét một cách thận trọng".
Sau 2 tuần nỗ lực điều trị cùng với việc dùng kháng sinh thích hợp, bệnh nhân đã được phục hồi và xuất viện. "Sự thành công của một ca bệnh phức tạp không chỉ là bác sĩ điều trị mà là cả bộ phận điều dưỡng đã chăm sóc và thay băng cho bệnh nhân một cách rất chuyên nghiệp. Hiện công tác điều dưỡng của đơn vị nhiễm khuẩn tổng hợp đã được giải thưởng về sáng kiến, cải tiến chất lượng trong vấn đề chăm sóc thay băng cho người bệnh" - TS.BS Trà chia sẻ thêm.
Được biết, hiện tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới điều trị cho nhiều bệnh nhân có tổn thương, vết thương chảy máu do tụ cầu. "Chúng tôi đã phải kết hợp với các chuyên khoa thẩm mỹ, ngoại khoa và dinh dưỡng… để điều trị cho người bệnh tốt nhất, nhanh hồi phục sức khỏe. Một yếu tố rất quan trọng nữa đó là tâm lý cho người bệnh được củng cố để người bệnh tin tưởng vào bác sĩ điều trị, giúp phối hợp điều trị một cách tốt nhất" - TS.BS Trà nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Pháp - Nhiều VĐV triathlon (ba môn phối hợp) nhiễm bệnh đường tiêu hóa, thủ phạm được cho là khuẩn E.coli.