Người phụ nữ mang gần 300 viên sỏi túi mật suốt 10 năm
Đau vùng hạ sườn phải khoảng 10 năm nay, bà Đ. đi khám phát hiện bị sỏi túi mật nhưng thấy ăn không tiêu nên chỉ điều trị bao tử. Tình trạng ngày càng nặng, bà này phải nhập viện mổ túi mật lấy ra gần 300 viên sỏi.
Gần 300 viên sỏi được lấy ra từ túi mật của bà Đ.
Sáng 13/7, Bác sĩ La Văn Phú – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, ê kíp khoa vừa phối hợp với khoa Gây mê hồi sức phẫu thuật thành công sỏi túi mật cho bà Hồ Kim Đ. (60 tuổi, ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long)
Theo người nhà bà Đ., suốt 10 năm nay, bà này đã bị đau âm ỉ vùng hạ sườn phải, ăn không tiêu, có đi bác sĩ khám và phát hiện bị sỏi túi mật. Tuy nhiên, cứ nghĩ là bệnh bao tử, do bà Đ. thấy ăn uống không được và thường xuyên đau bụng nên chỉ uống thuốc điều trị bệnh này.
Thời gian gần đây, bà Đ. đau bụng ngày càng nhiều nên đến bệnh viện huyện khám thì được biết viêm túi mật cấp và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ phẫu thuật.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành nội soi phát hiện bà Đ. có thành túi mật bệnh nhân quá dày (10 mm), viêm và không còn dịch mật, chỉ chứa toàn sỏi do viêm túi mật cấp, mãn tính tái đi tái lại nhiều lần.
Ngay sau đó, bà Đ. được chỉ định xử lý cắt túi mật lấy sỏi qua nội soi. Quá trình phẫu thuật, ekip bệnh viên lấy ra hơn 180 viên sỏi lớn, rất nhiều sỏi nhỏ (kích thước 2 - 3 mm), tổng số sỏi lên đến gần 300 viên.
Bác sĩ Phú cho biết, nếu tình trạng viêm túi mật cấp tái đi tái lại nhiều lần, có thể gây biến chứng hoại tử túi mật, dịch tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm. Do đó, bệnh nhân nên thường xuyên đi kiểm tra để phát hiện và điều trị sớm.
Hiện tại, bà Đ. đã dần hồi phục sức khỏe, có thể đi lại và ăn nhẹ được.
Mật là cơ quan thường bị bỏ qua nhưng bạn có thể bị nguy hiểm tính mạng nếu không kịp thời phát hiện bệnh sỏi mật.