Người phụ nữ khỏi hoàn toàn ung thư cổ tử cung nhờ việc làm đặc biệt quan trọng này

Theo các chuyên gia, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao.

Cách đây không lâu, chị N.P. L. (SN 1975, trú tại Hà Nội) phát hiện mình bị ra máu bất thường tại vùng kín nên lập tức đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thăm khám. Tại đây, sau khi kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, chị L. được thông báo trong cơ thể có tế bào xấu, cần tiến hành sinh thiết để khẳng định kết quả.

TS.BS Nguyễn Đức Phúc - Phụ trách Bộ phận Ung thư E5 (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) – người trực tiếp thăm khám cho chị L. cho biết, bệnh nhân đang mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn ung thư tại chỗ T1 – được đánh giá là giai đoạn tương đối sớm, kích thước u nhỏ khoảng 2cm, chưa di căn hạch, chưa xâm lấn tổ chức xung quanh.

Theo các bác sĩ, ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ, ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Ảnh minh họa

Theo BS Phúc, đây được coi là một trường hợp may mắn bởi ngay sau khi quan hệ thấy ra máu bất thường, bệnh nhân lập tức đi khám để kiểm tra. Ra máu bất thường sau quan hệ là một dấu hiệu cảnh báo rõ ràng và phổ biến đối với ung thư cổ tử cung. Chỉ cần để khoảng vài tháng nữa bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn 1, đòi hỏi điều trị khó hơn, gây nhiều tác dụng phụ đi kèm với tốn kém về chi phí điều trị.

Được các bác sĩ tư vấn, chị L. quyết định phẫu thuật loại bỏ khối u. Cuộc phẫu thuật nội soi do TS.BS Nguyễn Đức Phúc cùng ekip thực hiện kéo dài hơn 2 tiếng thành công tốt đẹp. Sau phẫu thuật, sức khỏe của chị L. ổn định và đã được xuất viện.

Theo các chuyên gia, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Theo CLOBOCAN, năm 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. 

Dù là căn bệnh nguy hiểm với chị em phụ nữ nhưng ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Vì vậy, BS Nguyễn Đức Phúc khuyến cáo, tất cả chị em phụ nữ khi đã có quan hệ tình dục đều nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ. Bởi lẽ, thời điểm phát hiện đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh.

"Nếu sàng lọc định kỳ, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, việc điều trị chỉ cần phẫu thuật đơn thuần, tỷ lệ khỏi bệnh gần như tuyệt đối. Nếu phát hiện muộn, việc điều trị có thể kéo theo phác đồ điều trị phức tạp, phải phối hợp nhiều phương pháp như xạ trị, hóa trị... Khi đó, quá trình điều trị kéo dài hơn, tốn kém hơn mà phải đối mặt với tình huống tái phát, di căn", BS Phúc nhấn mạnh.

Cùng với đó, chị em phụ nữ nên quan tâm đến những biểu hiện bất thường, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mình, thường xuyên thăm khám phụ khoa để không phải lo lắng về căn bệnh nguy hiểm này.

Các bước sàng lọc ung thư cổ tử cung

Theo các chuyên gia, chị em có nhu cầu sàng lọc ung thư cổ tử cung cần đến bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, làm xét nghiệm. Thời điểm thích hợp để làm sàng lọc là trong lúc không có kinh nguyệt; không bôi kem hay đặt thuốc vào âm đạo và không sinh hoạt tình dục trong vòng 48 giờ trước khi xét nghiệm sàng lọc.

Khi sàng lọc ung thư cổ tử cung, các bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa, soi cổ tử cung để phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung. Đồng thời, thực hiện các xét nghiệm nhằm tìm kiếm sự thay đổi các tế bào bất thường ở cổ tử cung.

Trong đó, xét nghiệm HPV là một xét nghiệm rất quan trọng trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. Một số xét nghiệm khác như: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu…

Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm thấy có tế bào bất thường, các bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện sinh thiết cổ tử cung để khẳng định có ung thư cổ tử cung hay không.

Các dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung gồm:

- Ra máu âm đạo bất thường

- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục

- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu

- Đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu

- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng

- Kinh nguyệt kéo dài, không đều

- Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân

Nguồn: [Link nguồn]

Ai dễ mắc ung thư cổ tử cung?

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Bệnh có thể được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Thùy ([Tên nguồn])
Ung thư cổ tử cung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN