Người phụ nữ hôn mê vì sai lầm này khi mắc đái tháo đường
Loại insulin mà bệnh nhân sử dụng thuộc nhóm tác dụng nhanh, được khuyến cáo tiêm trước bữa ăn từ 5 đến 15 phút.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 71 tuổi (trú tại Ba Đình, Hà Nội) trong tình trạng hôn mê do hạ đường huyết.
Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường 10 năm, đang điều trị bằng insulin theo phác đồ tiêm 4 mũi mỗi ngày. Vào ngày gia đình tổ chức tiệc sinh nhật, bệnh nhân đã tiêm một mũi insulin trước khi đi ăn tại nhà hàng. Tuy nhiên, trên đường di chuyển, do gặp giờ cao điểm, bà phải chờ taxi 45 phút và tiếp tục bị tắc đường. Khi gần đến nơi, bệnh nhân bất ngờ rơi vào trạng thái hôn mê và được đưa cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc đái tháo đường tại BV Bạch Mai.
Tại Trung tâm Cấp cứu A9, các bác sĩ xác định đường huyết của bệnh nhân chỉ còn 2 mmol/L (mức rất thấp).
Theo Tiến sĩ Bảy, loại insulin mà bệnh nhân sử dụng thuộc nhóm tác dụng nhanh, được khuyến cáo tiêm trước bữa ăn từ 5 đến 15 phút. Trong trường hợp này, từ lúc tiêm insulin đến khi bệnh nhân hôn mê là hơn 60 phút. Thuốc đã phát huy tác dụng, nhưng do bệnh nhân chưa kịp ăn tinh bột nên dẫn đến hạ đường huyết.
Để tránh nguy cơ hạ đường huyết, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng insulin.
Chia sẻ thêm về bệnh ĐTĐ, TS.BS Nguyễn Quang Bảy cho biết, do được chẩn đoán muộn nên nhiều bệnh nhân ĐTĐ có các biến chứng xuất hiện khá sớm. Theo các nghiên cứu, có tới 55% số bệnh nhân ĐTĐ ở Việt Nam đã có biến chứng ngay từ khi phát hiện ra bệnh.
Các biến chứng ĐTĐ chia ra làm 2 loại chính: Biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ. Các biến chứng mạch máu nhỏ được coi là các biến chứng đặc hiệu với bệnh ĐTĐ, có liên quan mật thiết đến tình trạng kiểm soát đường huyết. Đó là bệnh võng mạc ĐTĐ, nguyên nhân hàng đầu gây ra mù loà, và tổn thương các mạch máu ở cầu thận, nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận và khiến bệnh nhận phải lọc máu. Ở Việt Nam 1/3 số bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu là do ĐTĐ. Tổn thương các dây thần kinh và đáng sợ nhất là nguyên nhân gây loét bàn chân dẫn đến phải cắt bàn chân..
Tuy nhiên, biến chứng mạch máu lớn mới là biến chứng nguy hiểm nhất vì gây tử vong nhiều. Có ba nhóm biến chứng mạch máu lớn được người ta nhắc đến: Biến chứng mạch vành gây nhồi máu cơ tim; Biến chứng mạch máu não mạch cảnh gây đột quỵ và Tắc mạch máu chi dưới, loét bàn chân, cắt cụt chân.
TS. BS Bảy khuyến cáo, mỗi 6 - 12 tháng, bệnh nhân ĐTĐ phải đi tầm soát tất cả các biến chứng. Nếu chưa đến thời điểm đi khám nhưng nếu thấy có các dấu hiệu bất thường như mờ mắt, phù, đau ngực hay tê bì chân tay thì người bệnh phải đi khám bác sỹ chuyên khoa ngay. Nếu đợi đến khi có các triệu chứng nặng thì biến chứng thường đã rất muộn rồi.
Người bệnh ĐTĐ thường có rất nhiều các bệnh đồng mắc khác như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì. Do đó cần kiểm soát cân nặng, huyết áp, mỡ máu…, không để quá cao, hay quá thấp. Thử máu mao mạch thường xuyên hàng ngày bằng máy đo đường huyết mao mạch hay thiết bị theo dõi đường máu liên tục (CGM), tránh tin vào cảm giác. Tuyệt đối không bỏ thuốc khi thấy đường huyết, huyết áp về bình thường, bởi có kết quả đó là do thuốc. Tuân thủ chế độ ăn, lối sống bao gồm tập luyện thể dục, không ăn quá no, quá nhiều, quá ít hoặc ăn kiêng quá mức.
“Hơn hết, người bệnh và người thân cần chung sống với ĐTĐ bằng tâm thế bình an, thoải mái, vui tươi, để chất lượng cuộc sống tốt hơn”, TS. BS Bảy nhấn mạnh.
Bệnh nhân mắc đái tháo đường dù ăn nhiều, uống nhiều nhưng vẫn sụt cân nhanh là do cơ thể thiếu insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả.
Nguồn: [Link nguồn]
-23/12/2024 15:48 PM (GMT+7)