Người phụ nữ có phổi trắng xóa sau 3 ngày nhiễm cúm A
2 ngày sau nhập viện, tình trạng suy hô hấp tiến triển trầm trọng, bệnh nhân được đặt ống thở máy.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận người phụ nữ 59 tuổi suy hô hấp, phổi trắng xóa do tổn thương lan tỏa, phải thở máy.
Những triệu chứng đầu tiên của bệnh nhân là sốt, hắt hơi, sổ mũi; một ngày sau bắt đầu tức ngực, khó thở.
Vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở ngày thứ ba khởi phát triệu chứng cúm, bệnh nhân đã suy hô hấp phải thở oxy. Hai ngày sau nhập viện, tình trạng suy hô hấp tiến triển trầm trọng, bệnh nhân được đặt ống thở máy.
(Ảnh minh họa).
Người phụ nữ có bệnh nền béo phì, tiểu đường và tăng huyết áp. Bác sĩ nhận định đây là yếu tố nguy cơ khiến cúm A tiến triển rất nhanh, đặc biệt là tổn thương phổi. Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi trắng xóa, tổn thương phổi lan tỏa hai bên.
Sau điều trị, tình trạng phổi vẫn rất kém, bệnh nhân phải phụ thuộc hoàn toàn vào thở máy. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị sốc nhiễm trùng, phải duy trì thuốc vận mạch để đảm bảo huyết áp.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng những tuần gần đây không phải là bất thường. Vì thời tiết hiện nay đang vào thời điểm giao mùa giữa đông và xuân, lúc lạnh, lúc nóng đột ngột, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm.
Kết quả giám sát các trường hợp mắc cúm cũng cho thấy, các chủng virus gây bệnh đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B.
Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).
Theo các chuyên gia y tế, có 2 đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được chủ quan, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao.
Liên quan đến việc người dân tự ý mua thuốc tamiflu để uống khi mắc cúm, các chuyên gia y tế lưu ý, việc này không cần thiết, thậm chí nếu uống không đúng cách sẽ gây hiện tượng kháng thuốc.
Thuốc tamiflu thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng, các trường hợp có nguy cơ cao. Người bệnh không được tự ý sử dụng loại thuốc này khi không có chỉ định của bác sĩ.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân áp dụng một số biện pháp như: tăng cường vận động thể lực; đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi…
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Nguồn: [Link nguồn]
Gần đây, bệnh cúm A đang bùng phát ở nhiều địa phương khiến số trẻ phải nhập viện tăng cao. Nhiều sai lầm trong việc tự điều trị cúm cho trẻ khiến...