Người phụ nữ chưa đến 30 tuổi nhưng luôn sợ “chuyện ấy”, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân
Dù năm nay mới 29 tuổi nhưng chị H. cảm thấy không còn hứng thú trong “chuyện ấy”. Những lần gần gũi chồng chị chỉ làm cho hoàn thành “nhiệm vụ”.
Bác sĩ Hồ Văn Thắng (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, kết quả thăm khám cho thấy, nguyên nhân khiến chị H. nguội lạnh chuyện “yêu” cũng như khó có con là do mắc hội chứng suy buồng trứng.
Theo bác sĩ Hồ Văn Thắng, buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới với hai chức năng cơ bản là: Nội tiết để sản xuất ra các hormone sinh dục, quy định các đặc tính sinh dục - sinh lý nữ; Ngoại tiết để sản xuất trứng phục vụ cho quá trình sinh sản.
(Ảnh minh họa).
Do vậy, khi buồng trứng hoạt động bình thường, người phụ nữ có đời sống sinh dục, sinh lý và sinh sản bình thường. Ngược lại, nếu buồng trứng bị suy thì không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tình dục, mà còn khó để có con tự nhiên.
Thực tế cho thấy, hiện nay rất nhiều chị em còn trẻ nhưng đã bị suy giảm buồng trứng sớm. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của nữ giới, đặc biệt trong cuộc sống vợ chồng.
“Chị em mất tự tin vào bản thân do thần sắc giảm sút, cơ thể thiếu sức sống, ảnh hưởng tới chuyện chăn gối hằng ngày do không có ham muốn tình dục và không thể đạt các khoái cảm khi quan hệ. Đáng lo hơn, hội chứng suy buồng trứng sớm còn cản trở chức năng sinh sản ở nữ giới do trứng không thể sản sinh và phóng noãn để thụ tinh, là nguyên nhân gây ra tình trạng hiếm muộn rất phổ biến”, BS Thắng cảnh báo.
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị nào có thể phục hồi được hoạt động chức năng buồng trứng. Thông thường, các phương pháp điều trị mang mục đích giải quyết triệu chứng bệnh và hỗ trợ tình trạng hiếm muộn như điều trị hormone thay thế nhằm giảm bớt các triệu chứng của mãn kinh sớm. Hoặc nhờ đến sự can thiệp của các phương pháp hỗ trợ sinh sản nhằm tăng khả năng có thai và giảm chi phí đều trị vì quá trình suy buồng trứng vẫn liên tục tiếp diễn.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo, chị em tốt nhất nên kết hôn và sinh con trước 35 tuổi. Phụ nữ dưới 35 tuổi nếu sau một năm kết hôn, chung sống hoặc phụ nữ trên 35 tuổi sau 6 tháng chung sống không dùng biện pháp tránh thai mà chưa có thai cần đi khám chuyên khoa để phát hiện sớm tình trạng suy buồng trứng và điều trị hỗ trợ sinh sản kịp thời.
Để phòng ngừa suy buồng trứng sớm, phụ nữ nên thăm khám phụ khoa, sức khỏe sinh sản ngay khi có các dấu hiệu bất thường hoặc định kỳ 6 tháng/lần để có thể sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng.
Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục, sử dụng các biện pháp phòng tránh bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Khi có các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa cần can thiệp điều trị triệt để, tránh tái đi tái lại. Hạn chế, phòng tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, phóng xạ. Không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê, cocain, các chất gây nghiện…
Có chế độ sinh hoạt và làm việc cân đối khoa học, hạn chế tối đa các căng thẳng, áp lực quá mức đặc biệt là tránh stress tâm lý kéo dài. Tập thể dục đều đặn, giữ trọng lượng cơ thể cân đối; Có chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, cân đối và đa dạng...
Nguồn: [Link nguồn]
Phụ nữ không nên lơ là với các dấu hiệu bất thường của cơ thể, nhất là khi không quan hệ trong thời gian dài.