Người phụ nữ chiến thắng 2 bệnh ung thư bằng cách nào?

Sự kiện: Ung thư Sống khỏe

Chị Hán Thị Hiển sinh năm 1976, từng chiến đấu với hai bệnh ung thư. Hơn 10 năm qua, chị vẫn là tấm gương để mỗi khi nhắc đến bệnh nhân giàu nghị lực, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K TW, lại lấy chị ra tâm sự cho các bệnh nhân khác.

Người phụ nữ chiến thắng 2 bệnh ung thư bằng cách nào? - 1

Chị Hiển trò chuyện với phóng viên 

Liên tiếp hai bệnh ung thư "gõ cửa" 

Chị Hiển trú tại xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Chị trải qua ba lần sinh nở nhưng chỉ có người con thứ 2 ở lại với anh chị. Năm nay cháu đã 23 tuổi. Cháu lớn bị tim bẩm sinh qua đời khi còn nhỏ, cháu thứ 3 cũng đã qua đời. Tâm sự với chúng tôi, chị Hiển cho biết, năm 2003, chị khoẻ mạnh bình thường nhưng tự nhiên bị hạ huyết áp, có lúc chỉ còn 45/60. Người mệt mỏi, mạch yếu, chị Hiển đi khám tim mạch ở các nơi, điều trị gần 1 năm nhưng không khỏi.

Sang đến năm 2004, tình hình sức khoẻ kém hơn. Chị đi kiểm tra, bác sĩ phát hiện ung thư dạ dày. Lúc này, khối u đã choán gần hết dạ dày. Chị Hiển được bác sĩ tại Bệnh viện 108 phẫu thuật cắt bỏ 4/5 dạ dày.Sau khi phẫu thuật cắt bỏ 4/5 dạ dày, chị Hiển điều trị theo phác đồ của bác sĩ tại Bệnh viện 108.

Nhưng hai năm sau, chị phát hiện ở ngực có khối u nhỏ. Chị lại xuống bệnh viện 108 kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vú. Kết quả giải phẫu hai bệnh ung thư dạ dày và ung thư vú hoàn toàn khác nhau nên bác sĩ khuyên chị về chuyên khoa ung thư điều trị.Chị Hiển chuyển về Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp để điều trị ung thư vú. Lúc này, chị được bác sĩ Phạm Thị Việt Hương điều trị. Nhưng trong quá trình điều trị được hai đợt hoá chất thì chồng chị Hiển lại mắc xơ gan cổ trướng.

Chị Hiển tâm sự: “Tôi nghĩ là mình bị ung thư chắc chỉ chết nên muốn nhường cơ hội chữa bệnh cho chồng để mình có làm sao thì chồng còn sống mà nuôi con. Tôi bỏ viện về nhà chăm chồng ốm và dồn công, dồn của chữa bệnh cho chồng”.

Nhưng đến năm 2009, chồng chị Hiển qua đời. Lúc này, bệnh ung thư vú đã tái phát mạnh và lan rộng. Chị Hiển nghĩ mình chết chắc. Nhưng nhìn giấy ghi nợ đã vay chữa bệnh cho chồng, chị không dám chết! Nhiều lần mở giấy ra, định ngỏ lời với người thân, nếu có gì bất trắc nhờ trả nợ hộ, nhưng rồi chị không nỡ. Chị Hiển lại khăn gói xuống bệnh viện K điều trị lần nữa.

Khi xuống viện, bệnh của chị đã ở giai đoạn 4, bác sĩ tư vấn cho chị về phác đồ điều trị. Những ngày ở viện, chị Hiển luôn nghĩ mình phải sống, cùng chiến đấu với bệnh ung thư, dù chỉ có một mình.Nằm viện, khát khao sống của chị lại nhân lên gấp bội khi nghĩ về con. Chị nghĩ chỉ cần sống 1 ngày, con mình sẽ còn mẹ, con chị không rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cứ nghĩ thế, chị gạt bỏ hết tất cả, chỉ còn nghị lực ham sống.

Những ngày mệt mỏi do truyền hoá chất, chị Hiển cũng không cho phép mình được nghĩ quẩn. Chị vẫn lao động bằng sức của mình, chị đi dọn dẹp nhà trọ cho những nhà ở xung quanh bệnh viện, chị không dám nghỉ ngơi vì sợ nằm một chỗ sẽ nghĩ quẩn, nghĩ dại. Tâm lý chính là liều thuốc hỗ trợ đắc lực nhất giúp chị vượt qua được những tác dụng phụ của điều trị ung thư.

Đến năm 2011, chị Hiển đã truyền xong 6 đợt hoá chất, xạ trị và được ra viện. Đến nay, sau 6 năm sống không bệnh, các chỉ số mỗi lần tái khám đều ổn định, chị cảm thấy mình thật may mắn, bởi có không ít người cũng bị ung thư như chị, từng nằm điều trị cạnh chị, đã qua đời.

Bí quyết thành công của người phụ nữ nhỏ bé

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Khoa Nhi, Bệnh viện K Trung ương, người đã điều trị cho bệnh nhân Hiển, cho biết, năm 2009, bệnh nhân Hiển đến bệnh viện trong tình trạng u to, sùi loét không phẫu thuật được. Bác sĩ chọn phương pháp điều trị hoá chất tiền phẫu. Sau 3 đợt điều trị hoá chất tiền phẫu khối u co nhỏ lại, tổn thương loét được giải quyết, tạo điều kiện cho các bác sĩ khoa ngoại phẫu thuật cắt triệt căn tuyến vú.

Sau đó, bác sĩ tiếp tục điều trị 3 đợt hoá chất sau mổ và kết hợp tia xạ và điều trị nội tiết nên dù nhập viện ở giai đoạn muộn nhưng bệnh nhân đã khoẻ mạnh lại.

Theo bác sĩ Hương, bí quyết để tạo nên thành công của một ca bệnh có tiên lượng xấu, lại có hoàn cảnh khó khăn, cần hết sức chi tiết, cẩn thận.Thứ nhất: về mặt chuyên môn phải điều trị đúng, chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Thứ hai: Quyết tâm nghị lực phi thường của người bệnh khi họ có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, cả về kinh tế và tinh thần. Nếu bệnh nhân không quyết tâm điều trị, bác sĩ cũng không thể áp dụng các phương pháp điều trị.“Bệnh nhân Hán Thị Hiển sau khi được bác sĩ tư vấn, bệnh nhân đã có nghị lực vươn lên tồn tại, khao khát sống. Sống một ngày để nuôi con một ngày, sống một tháng nuôi con một tháng, sống 1 năm nuôi con một năm”- bác sĩ Hương chia sẻ.Thứ 3, thành công khi điều trị cho bệnh nhân có 2 bệnh ung thư là quyết tâm của bác sĩ. Khi bệnh nhân có nghị lực, có khát vọng sống nhưng bác sĩ lại cảm thấy tiên lượng sống ít, không thể cố được, không áp dụng biện pháp triệt để, biện pháp mạnh mà chỉ dùng các biện pháp tạm bợ thì không thể cứu được bệnh nhân.

“Tôi đặt quyết tâm cứu chữa đến cùng. Có thể hoàn cảnh như thế, chồng chết, hai con cũng chết, chỉ còn đứa con cuối cùng và chị ấy tha thiết sống để lo cho đứa con ấy, càng thúc ép tôi có mong mỏi giúp bệnh nhân sống. Và chúng tôi đã làm được!” - BS Hương vui vẻ nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thúy (Infonet)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN