Người phụ nữ 69 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng vì tâm lý chủ quan nhiều người Việt hay mắc phải

Tự ý điều trị bệnh tại nhà, nữ bệnh nhân 69 tuổi ở Hà Nội gặp biến chứng nguy hiểm do mắc bệnh sốt mò.

Chủ quan nữ bệnh nhân gặp biến chứng nguy hiểm khi mắc bệnh sốt mò

Một phụ nữ cao tuổi ở Hà Nội phải nhập viện với biến chứng nguy hiểm do mắc bệnh sốt mò.

Đó là bệnh nhân nữ (69 tuổi, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội). Bệnh nhân này có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm. Trước khi nhập viện 1 tuần, xuất hiện sốt, kèm mệt mỏi nhiều, không ho, không khó thở, tự điều trị tại nhà không đỡ.

Khi xuất hiện khó thở tăng dần, bệnh nhân đến phòng khám tư, chụp cắt lớp ngực có hình ảnh viêm phổi - tràn dịch màng phổi 2 bên. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tại vùng nách trái phát hiện có vết loét hoại tử khô, kích thước 1x2cm. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ sốt mò.

Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh cải thiện chậm, tình trạng hô hấp tiếp tục xấu đi, toan hóa máu nặng, nữ bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, được đặt ống nội khí quản, thở máy.

Quá trình điều trị, các bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi có tràn dịch màng phổi do Rickettsia, suy thận cấp, suy tim, rung nhĩ. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã có chiều hướng cải thiện rõ, các cơ quan dần hồi phục, bệnh nhân đã có thể rút ống thở để tự thở.

Trên VTV News, TS.BS Đồng Phú Khiêm (Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca sốt mò (nhiễm vi khuẩn Rickettsia lây truyền từ mò), thường là ở giai đoạn nặng, suy đa tạng, điều trị hồi sức rất khó khăn và tốn kém.

Bác sĩ Khiêm nhấn mạnh: Một số bệnh nhân có thể có nổi hạch gần vết loét, phát ban trên da. Trong trường hợp bệnh được chẩn đoán điều trị sớm (5 ngày đầu), kết quả điều trị sẽ rất thuận lợi. Nếu điều trị muộn, hoặc điều trị không phù hợp, có thể có biến chứng nặng như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não - màng não.

Vết loét trên cơ thể người phụ nữ. Ảnh: BVCC

Vết loét trên cơ thể người phụ nữ. Ảnh: BVCC

Sốt mò là gì?

Bệnh sốt mò là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi Orientalis tsutsugamushi (một loại vi khuẩn thuộc họ Rickettsia và lây sang người thông qua ấu trùng mò thuộc họ Trombicula với tên gọi Leptotrombidium).

Các loại ấu trùng mò này thường có các ký chủ trung gian là những loài động vật gặm nhấm, đặc biệt chủ yếu là loài chuột, các loài chim hoặc gia súc, gia cầm.

Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài 2 – 3 tuần, kèm theo có vết loét trên da do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh sốt mò

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi ở nhiều vùng địa lý khác nhau, tuy nhiên bệnh dễ gặp ở những đối tượng như:

Nông dân làm ruộng.

Người làm nghề trong rừng.

Người khai hoang.

Kiểm lâm.

Bộ đội hành quân.

Nguyên nhân gây bệnh sốt mò

Vi khuẩn Orfentia tsutsugamushi.

Ổ bệnh và trung gian truyền bệnh là mò Leptotrombidium.

Sốt mò lưu hành chủ yếu ở vùng nông thôn, rừng núi. Bệnh thường xuất hiện lẻ tẻ, có thể gặp quanh năm, cao điểm là các tháng xuân - hè - thu.

Đường lây truyền bệnh sốt mò

Trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò nhiễm vi khuẩn Orientia tsutsugamushi.

Người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt.

Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác.

Mắc sốt mò nếu điều trị muộn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. (Ảnh: Theo VTV News)

Mắc sốt mò nếu điều trị muộn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. (Ảnh: Theo VTV News)

Triệu chứng mắc bệnh sốt mò

Triệu chứng lâm sàng

Thời kỳ ủ bệnh: 

Dao động từ 6-18 ngày, trung bình là 10-12 ngày kể từ khi bị ấu trùng mò đốt.

Do không có triệu chứng lâm sàng gì đặc biệt, nên điểm mấu chốt để chẩn đoán được ra bệnh trong thời kỳ này là tìm được vết do mò đốt.

Vị trí vết đốt thường nằm ở khu vực kín đáo, trong các nếp gấp da, thường không đau nên người bệnh không nhận thấy. Vết đốt ban đầu là một sẩn đỏ, có bọng nước ở giữa, sau vỡ ra và tạo thành một vết loét hoại tử, có gờ nổi trên mặt da, đóng vảy đen ở giữa (Eschar). Có hạch to tại chỗ kiểu phản ứng viêm, nhưng không đau.

Thời kỳ khởi phát

Biểu hiện chính là sốt, thường là sốt rét run, nhiệt độ có thể tăng dần trong vài ngày. sau đó tăng lên 39-40 độ C tạo thành nhiệt độ tuyến hình cao nguyên, hoặc sốt cao đột ngột ngay từ đầu.

Các biểu hiện khác kèm theo như nhức đầu, chóng mặt, đau mỏi cơ, nhức mắt, sung huyết kết mạc mắt.

Thời kỳ toàn phát

Gồm 4 triệu chứng lâm sàng chính:

Sốt là triệu chứng gần như luôn có. Sốt trong bệnh sốt mò mang đặc điểm của một tình trạng sốt cấp tính hoặc bán cấp: Có thể kéo dài từ 1-4 tuần, thường là 2 tuần, nhiệt độ có thể tăng đến 39-40 độ C, sốt nóng là chủ yếu, có thể gai rét. Ngoài ra, người bệnh có thể nhức đầu, đau mỏi người, đau mỏi cơ khớp và rất mệt.

Dấu hiệu để chẩn đoán bệnh sốt mò là vết loét Eschar. Vết loét được mô tả có dạng tròn hoặc bầu dục, không đau, không ngứa, kích thước 0,5-2cm, có viền đỏ và nổi gờ trên mặt da, ở giữa đóng vảy đen.

Vị trí kín đáo, hay gặp ở các nếp gấp trên da như nách, bẹn, cổ, khủy tay, khoeo chân, bìu, nếp rốn, mi mắt... Thường chỉ có một vết loét đơn độc trên người và người thăm khám phải khám rất kỹ mới tìm ra được.

Sưng hạch toàn thân: thường xuất hiện muộn vào tuần thứ 2, di động không đau không hóa mủ, kích thước nhỏ hơn hạch tại chỗ gần vết loét

Phát ban: Ban thường xuất hiện vào ngày thứ 4-5 của bệnh và mang đặc điểm: ban dạng dát sẩn, màu đỏ nhạt, không đau, không ngứa, khi mất đi không để lại dấu vết. Ban xuất hiện bắt đầu tại ngực, sau lan ra toàn thân nhưng ít khi xuất hiện ở lòng bàn tay bàn chân. Ban thường kéo dài từ vài ngày đến 1 tuần. Một số trường hợp ban thưa và mờ, hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong thời gian ngắn.

Các biểu hiện khác: Sung huyết kết mạc mắt hoặc bệnh cảnh của viêm phổi không điển hình. Những trường hợp nặng có biểu hiện xuất huyết và đông máu nội mạch. Có biểu hiện thiểu niệu, albumin niệu hồi phục nhanh khi bệnh nhân khỏi bệnh. Gan lách có thể to vào tuần thứ 2.

Thời kỳ lui bệnh

Sốt sẽ giảm nhanh sau 1-2 ngày nếu được điều trị thích hợp.

Nếu người bệnh không được điều trị nhưng không xuất hiện biến chứng, sốt cũng sẽ kéo dài từ 2-3 tuần rồi giảm dần, người bệnh thấy cơ thể dần khỏe hơn, tiểu nhiều hơn, tuy nhiên tình trạng mệt mỏi có thể kéo dài lâu hơn.

Nếu bệnh nhân không được điều trị tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30%. Nguyên nhân tử vong phần lớn do các biến chứng về tim mạch và viêm phổi. Do đó việc điều trị cho bệnh nhân là rất cần thiết để giảm hẳn nguy cơ tử vong.

Bệnh khỏi hoàn toàn không để lại di chứng, tuy nhiên miễn dịch không bền vững và có thể tái phát.

Bệnh sốt mò gây các biến chứng

Theo bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, biến chứng của sốt mò rất nguy hiểm kéo theo tổn thương đa tạng như:

- Viêm cơ tim, trụy tim mạch.

- Đông máu nội mạc rải rác.

- Viêm phổi nặng, suy hô hấp.

- Viêm não và màng não.

- Suy gan cấp, tăng men gan.

- Sốc nhiễm khuẩn.

- Suy thận.

- Xuất huyết nội tạng.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt mò

Phát quang bụi rậm quanh nhà, dọn sạch cỏ dại.

Phun thuốc diệt ấu trùng mò.

Diệt chuột và các loài gặm nhấm.

Khi đi vào vùng rừng núi hoặc vùng cây cối rậm rạp cần mặc quần áo dài tay, mang bao tay, vớ che kín cơ thể.

Không nằm trên bãi cỏ hay vùng đất ẩm, không phơi quần áo trên bãi cỏ tránh ấu trùng mò bám vào.

Không dùng kháng sinh dự phòng vì ít hiệu quả và tốn kém.

Cần trang bị kiến thức về bệnh lý này để có cách phòng chống và nhận biết bệnh hiệu quả.

Khi gặp các biểu hiện nào cần đi khám ngay để chẩn đoán có phải mắc bệnh sốt mò hay không?

Bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết thêm, nếu gặp phải một trong các biểu hiện sau cần đi khám ngay:

- Sốt cao đột ngột, sốt cao liên tục, kéo dài, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người.

- Da xung huyết, kết mạc mắt xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân.

- Vết loét ngoài da: dấu hiệu đặc trưng về bệnh sốt mò: vết loét hình bầu dục, kích thước từ 0.5-2cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, đáy hồng, không tiết dịch hoặc rỉ ít dịch, thường không đau, không ngứa khu trú ở những vùng da mềm như nách, ngực, cổ…

- Ban ngoài da: thường xuất hiện vào cuối tuần thứ nhất của bệnh, có dạng dát sẩn, nổi toàn thân, có thể gặp ban xuất huyết.

- Sưng hạch lympho: tại chỗ vết loét hoặc toàn thân, hạch mềm, đau.

- Gan to, lách to, một số trường hợp có thể có vàng da.

- Tổn thương phổi: người bệnh thường có triệu chứng ho, những trường hợp sốt mò nặng có thể có khó thở, suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong.

- Tổn thương tim mạch: người bệnh sốt mò thường có tình trạng huyết áp tụt; nhiều trường hợp biến chứng viêm cơ tim.

Đặc biệt, không được tự ý điều trị bệnh tại nhà, không được chủ quan nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt mò.

Chế độ ăn uống trong mùa hè nếu không được chú ý, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn gây ra bệnh nghiêm trọng như đột quỵ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo L.Vũ (th) ([Tên nguồn])
Sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN