Người phụ nữ 40 tuổi phải cắt cụt chân vì căn bệnh khiến hơn 3 triệu người Việt mắc

Bệnh nhân còn trẻ, với mong muốn giữ tối đa chiều dài của chi cắt cụt để sau phẫu thuật có thể sử dụng chân giả.

Theo thống kê, khoảng hơn 3,5 triệu người Việt đang mắc đái tháo đường. Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Dự kiến số người mắc đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng lên gần 6.3 triệu vào năm 2045. Bệnh nhân mắc đái tháo đường gặp nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Phạm Thị Q. 40 tuổi (Quảng Ninh). Bệnh nhân được chuyển tuyến trong tình trạng nhiễm trùng bàn, cẳng chân lan rộng do biến chứng thần kinh ngoại vi – đái tháo đường mất cảm giác bàn chân và không được điều trị kịp thời.

Bệnh nhân bị biến chứng từ bệnh đái tháo đường. 

Bệnh nhân bị biến chứng từ bệnh đái tháo đường. 

Tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cẳng bàn chân trái loét diện rộng, sưng nề tấy đỏ, dịch thấm băng nhiều kèm mùi hôi thối do hoại tử; sốt trên 38 độ C có những cơn rét run.

Sau khi tiếp nhận, tình trạng bệnh diễn biến nhanh và xấu, vết loét hoại tử lan rộng lên trên đùi và một phần bộ phận sinh dục; nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc, viêm phổi, suy tim, suy kiệt cơ thể, biến chứng thần kinh ngoại vi, rối loạn chuyển hóa lipid.

ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thiện – Phó khoa Chăm sóc bàn chân, bác sĩ điều trị và phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân nhận định: Bệnh nhân Q. nằm trong trường hợp viêm hoại tử cân mạc cẳng chân lan rộng. Để cứu tính mạng, cần phải cắt bỏ chi của người bệnh.

"Với tình trạng trên, phần lớn phải chỉ định cắt cụt đùi. Tuy nhiên do bệnh nhân còn trẻ, với mong muốn giữ tối đa chiều dài của chi cắt cụt để sau phẫu thuật có thể sử dụng chân giả cho bệnh nhân sinh hoạt, lao động và hòa nhập cộng đồng, kíp phẫu thuật đã thảo luận chi tiết trước khi cắt cụt 1/3 giữa cẳng chân cho bệnh nhận Q.", BS. Thiện cho biết.

Với chỉ định cắt cụt cẳng chân, việc chăm sóc mỏm cụt cẳng chân sau phẫu thuật sẽ khó khăn cho việc liền vết thương mỏm cụt. Đồng thời, tình trạng biến chứng nặng nguy cơ rủi ro cao trong và sau quá trình phẫu thuật có thể sẽ xảy ra.

Do vậy, sau phẫu thuật cắt cụt cẳng chân, các bác sĩ vẫn phải làm các thủ thuật.

Sau gần 2 tháng theo dõi, điều trị tích cực, bệnh nhân Q. đã phục hồi thể trạng, vết thương tại khu vực phẫu thuật đã liền, ăn uống sinh hoạt bình thường và được xuất viện.

Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị để kiểm soát đường huyết và tiến hành tập phục hồi chức năng, lắp chân giả để tái hòa nhập cộng đồng.

Theo bác sĩ, biến chứng bàn chân do đái tháo đường để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với người bệnh và xã hội.

Ở các bệnh nhân đái tháo đường, mức đường huyết cao thường xuyên có thể gây tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến tình trạng mất cảm giác, đặc biệt là ở ngón và bàn chân. Khi đó, bệnh nhân có thể không biết bàn chân của mình bị chấn thương, dẫm phải dị vật hay bị bỏng…

"Cắt cụt chi là biện pháp cuối cùng để ngăn vùng hoại tử ở chân mở rộng, nhằm đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Các vùng hoại tử này thường bắt nguồn từ các vết loét, nhiễm trùng bàn chân hoặc tắc mạch chân nhưng không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân Q. được chẩn đoán hoại tử rất nặng ở bàn chân trái do vậy bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật để ngăn chặn các hiện tượng loét, nhiễm trùng lan rộng" - BS. Thiện cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

4 điều người bệnh đái tháo đường không nên làm vào buổi sáng để tránh rủi ro sức khỏe trong mùa lạnh

Nếu không muốn đường huyết cả ngày "lên xuống thất thường" gây tổn thương cơ thể, người bệnh đái tháo đường nên tránh làm 4 điều sau vào buổi sáng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh tiểu đường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN