Người nước ngoài sang Việt Nam chữa bệnh hiếm muộn

Một tín hiệu khả quan cho ngành y tế Việt Nam khi càng ngày càng có nhiều người bệnh từ nước ngoài sang Việt Nam khám chữa bệnh, trong đó số cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến Việt Nam ngày càng đông.

Khi bệnh nhân đến Việt Nam cầu vận may

Trường hợp của chị Lý Thùy D. – một Việt kiều Đức đang mang thai ở tuần thứ 34 sắp được làm mẹ nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm - IVF được làm tại Việt Nam. Sau quãng thời gian 12 năm khắp các nơi chữa bệnh vô sinh, chị D. không tin rằng mình lại có cơ hội làm mẹ ngay trên quê hương của mình. Chị D. tâm sự chị theo ba mẹ sang Đức từ năm 1980, năm 2002 chị kết hôn với một người Đức. Ở bên đó, sức khỏe chăm sóc người bệnh rất tuyệt vời , trở thành biểu tượng cho nhiều nước noi theo. Vậy mà khát khao có con của vợ chồng chị vẫn xa vời. Vợ chồng chị D. đã làm IVF ở rất nhiều nơi như Đức, Singapore, Pháp... nhưng mọi lần đều thất bại.

Người nước ngoài sang Việt Nam chữa bệnh hiếm muộn - 1
Các ngày càng nhiều người chọn Việt Nam là điểm đến chữa bệnh vô sinh hiếm muộn

 

Tình yêu của người chồng dành cho mình chính là nghị lực giúp chị D. nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến tìm quyền làm mẹ. Năm 2013, chị. quyết định về Việt Nam để làm IVF. Khi vừa đưa ra quyết định này, chồng và gia đình của chị đều can ngăn. Ai cũng cho rằng chị có sai lầm trong việc lựa chọn địa điểm để làm IVF nhưng với chị D., đây là canh bạc cuối cùng. Chị kể chi phí cho việc chữa bệnh hiếm muộn của chị tốn kém rất nhiều. Nếu giờ chị lại chọn Singapore hay một nước Châu Âu nào đó, chị sẽ gặp khó khăn về tài chính. 

Sau khi trở về Việt Nam, chị chọn Bệnh viện Từ Dũ một trung tâm hàng đầu về hỗ trợ sinh sản. Những ngày đầu về quê hương chữa bệnh, chị D. cũng có chút mệt mỏi vì việc đi khám chen chúc nhau quá đông. Bệnh nhân xếp hồ sơ cả ngày chưa chắc đã xong việc. Gặp nhiều người đồng cảnh ngộ với chị đang xếp hàng và tràn đầy niềm tin vào chu kỳ họ đang tiến hành, chị D. có thêm chút nghị lực. Cuối cùng, vợ chồng chị cũng thành công. Đang mang thai ở tháng thứ 8, chị D. vẫn không tin rằng vận may của chị lại đến ở cố hương mà không phải ở Đức một nước có ngành y tế phát triển.

Tại phòng tư vấn của Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương, y tá Trần Thị Phương người có thâm niêm gắn bó lâu nhất với trung tâm này tâm sự bà cũng gặp khá nhiều cặp vợ chồng là Việt kiều và người nước ngoài sang Việt Nam chữa hiếm muộn.

Có những người họ qua làm việc và công tác nhưng cũng có những người về hẳn Việt Nam với một mục đích chữa bệnh. Trường hợp cặp vợ chồng anh Thẩm Thế Hồng – 36 tuổi, sống tại Cao Hùng, Đài Loan sang bệnh viện Phụ sản Trung ương để làm IVF. Cặp vợ chồng này cưới nhau được 8 năm nhưng chưa có con. Họ đã thực hiện các biện pháp can thiệp sinh sản ở Đài Loan và Singapore nhưng đều thất bại. 

Nghề nghiệp của hai vợ chồng anh Hồng là kinh doanh nông sản. Thu nhập vào dạng bậc trung ở sở tại nhưng họ vẫn không thể gồng gánh được các chi phí làm thụ tinh trong ống nghiệm. Hai lần làm tại Singapore, vợ chồng anh Hồng không còn tiền. Họ sang Việt Nam với ý định tìm thử vận may ở nơi chi phí bằng 1/3 nơi khác. 

Khi đến bệnh viện Phụ sản Trung ương, vợ chồng anh Hồng đều buồn bã. Lúc đầu, họ cũng chán ngán cảnh chen nhau, chỗ ngồi chờ bác sĩ đôi khi cũng không có. Nhưng sau khi được bác sĩ tư vấn thông qua người phiên dịch của họ. Họ cảm giác yên tâm hơn. Họ đã làm các gói kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương phát hiện vợ anh bị chứng dính tắc vòi trứng nhưng hoạt đồng của buồng trứng khá tốt, chỉ sử dụng thuốc kích trứng, không phải đi xin trứng.

 Các bác sĩ tại trung tâm đã quyết định thực hiện một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm cho vợ chồng anh Hồng. Thật may mắn, vợ chồng anh được 11 phôi. Anh gửi lại 8 phôi, chuyển 3 phôi. Hết 3 tháng đầu, vợ anh Hồng mang thai đơn. Sau đó họ về Đài Loan và hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Gia đình anh Hồng mừng rỡ. Họ đã gửi những bức ảnh của con sang Việt Nam như nói lời cảm ơn. 

Chị Kristabelle R., 37 tuổi một công dân Dubai đang sống tại Nga đang có ý định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại một bệnh viện ở Việt Nam. Chị Kristabelle R. tâm sự hai vợ chồng chị cưới nhau đã lâu năm nhưng không thể có con.Họ đã chữa trị vô sinh ở Dubai và cả ở Nga nhưng không thành công. Ba lần làm thụ tinh trong ống nghiệm, chị Kristabelle R. đều không được bế con trên tay. Điều khiến bà mẹ này lo lắng nhất là tuổi ngày càng nhiều và cơ hội có con ngày càng ít đi.

Chị Kristabelle R. dành khá nhiều thời gian về tìm hiểu các phương pháp và những nơi tin cậy có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm và điều chị muốn là thực hiện một tour IVF trong năm tới. Địa điểm chị Kristabelle Ramirez chọn là Việt Nam. Trong lá thư gửi Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam khoa và Hiếm muộn Hà Nội, người phụ nữ này tha thiết mong mỏi được làm mẹ và chị mong muốn sẽ thực hiện một tour IVF tại Việt Nam.

Việt Nam sẽ đi đầu trong khu vực về IVF

Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế- Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết về chuyên ngành điều trị hiếm muộn với biện pháp hỗ trợ sinh sản bằng IVF, Việt Nam được xếp vào top đầu của khu vực. So với Thái Lan và Malaixia Việt Nam hơn hẳn. Hiện nay Singapore chỉ đạt 40 – 45 % nhưng Việt Nam có thể mang lại tỷ lệ dến 60 % ở một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Theo thống kê tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản, mỗi năm có hàng trăm cặp vợ chồng người nước ngoài thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam. Tại Bệnh viện Từ Dũ mỗi năm có khoảng hơn 200 cặp vợ chồng và tại Bệnh viện An Sinh, BV Bình Dân TP.HCM cũng tương tự. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương số người có ít hơn. Trong số đó, có những bệnh nhân từ các nước ở châu Mỹ, Âu.....đến Việt nam chữa bệnh vô sinh.

Nhiều trường hợp thất bại nhiều lần ở nước ngoài lại thành công khi chữa trị một lần tại Việt Nam với chi phí rẻ hơn rất nhiều khoảng 3.000 USD trong khi đó ở các nước từ 8.000 đến 15.000 USD. PGS Nguyễn Viết Tiến chia sẻ nếu so về kinh nghiệm làm thụ tinh trong ống nghiệm các bác sĩ Việt đang đứng đầu khu vực vì số ca đến viện nhờ can thiệp bằng biện pháp này hàng 5 – 6 nghìn ca mỗi năm. 

Còn Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ chia sẻ đến nay có rất nhiều cặp vợ chồng là Việt kiều điều trị tại Việt Nam thành công. Họ giới thiệu bạn bè và đồng nghiệp của mình là người bản địa về Việt Nam chữa vô sinh. Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ là điểm đến của các cặp vợ chồng hiếm muộn từ khắp Châu lục. 

Lần dở lại những lá thư cảm ơn của một người bệnh gửi về từ Canada, cô gái gửi lời mời vị bác sĩ cứu tinh của mình ghé qua tư gia tại Vancouver nếu ông đến tham dự hội thảo về nam khoa. Tiến sĩ Vệ cười vui vẻ “đa phần bệnh nhân đến Việt Nam là họ tự tìm tin tức trên báo chí. Không ít người họ còn nghi ngờ về thành tựu của các bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn Việt Nam nhưng khi sang đến nơi, gặp gỡ những người bệnh còn nặng hơn nhưng vẫn có con thì những vị khách đặc biệt này lại yên tâm và tin tưởng mình tuyệt đối. Có lẽ vì thế, các bác sĩ cũng trở nên “mát tay” hơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Infonet ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN