Người nhiễm HIV có cơ hội làm cha

Theo dự thảo nghị định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, người chồng bị HIV vẫn được lấy tinh trùng để lọc rửa, tạo phôi, sinh ra đứa con khỏe mạnh.

“Sinh con là nhu cầu cơ bản và chính đáng của các cặp vợ chồng, pháp luật luôn tôn trọng. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng vô sinh không thể có con theo phương pháp tự nhiên nên Chính phủ tạo điều kiện để họ có được mụn con thông qua kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm”.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), chia sẻ thông tin trên tại buổi góp ý dự thảo nghị định của Chính phủ về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được tổ chức tại TP.HCM vào sáng 14-10.

Người đủ 18 tuổi trở lên được nhận tinh trùng

Theo ông Quang, hiện việc thụ thai trong ống nghiệm được áp dụng theo nghị định 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học. Căn cứ nghị định này thì người chồng bị HIV sẽ không được lấy tinh trùng để kết hợp với noãn của người vợ bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, theo dự thảo nghị định lần này thì người chồng bị HIV vẫn được lấy tinh trùng. “Tinh trùng của người chồng nhiễm HIV sẽ được lọc rửa cẩn thận. Sau đó sử dụng nhân của tinh trùng cho kết hợp với trứng người vợ trong ống nghiệm để tạo phôi. Nhờ vậy người chồng mặc dù nhiễm HIV vẫn sinh được con khỏe mạnh” - ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, Nghị  định 12/2003 quy định người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải bảo đảm đủ 20 tuổi đến 45 tuổi. Trong khi dự thảo nghị định lần này cho phép người đủ 18 tuổi trở lên được quyền nhận tinh trùng, noãn và phôi.

Người nhiễm HIV có cơ hội làm cha - 1

Nhân viên khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương (TP.HCM) đang xét nghiệm tinh trùng của một bệnh nhân vô sinh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Phôi là tài sản chung của vợ chồng

Liên quan đến việc gửi phôi, BS Nguyễn Thị Bạch Nga (BV Hùng Vương)cho rằng với những cặp gia đình vô sinh hạnh phúc thì việc lưu trữ phôi trong các cơ sở y tế rất dễ dàng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ chuyển phôi vào tử cung người vợ, chẳng may hai vợ chồng ly dị thì giải quyết phôi ra sao thì dự thảo chưa nói rõ.

Trong khi đó, đại diện một bệnh viện có khoa hiếm muộn cho biết sau khi ly hôn ông chồng không muốn cho vợ số phôi lưu trữ. Còn người vợ vì không thể đi bước nữa nên muốn sử dụng phôi để có con an ủi tuổi già. Vậy giải quyết vấn đề này ra sao cũng không thấy dự thảo nói đến.

PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng phôi là tài sản chung của cả hai vợ chồng. Do vậy phôi được sử dụng như thế nào là quyết định chung của cả hai vợ chồng.

Theo ông Tiến, trong trường hợp người vợ muốn sử dụng phôi khi hai vợ chồng đã ly dị thì bệnh viện phải liên hệ với người chồng. Nếu ông ta không đồng ý thì bệnh viện không được phép cho người vợ sử dụng. “Trong trường hợp vợ hoặc chồng chết thì phôi thuộc về người còn sống và người này có quyền quyết định sử dụng” - ông Tiến nói.

Dự thảo quy định rõ người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng mới được nhờ mang thai hộ (bao gồm anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ) nhằm tránh tình trạng đẻ thuê.

TS NGUYỄN HUY QUANGVụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Dự thảo cho phép người đủ 18 tuổi trở lên được quyền nhận tinh trùng, noãn và phôi. Do không hạn chế độ tuổi cao nhất nên dự thảo giúp những cặp vợ chồng vô sinh lớn tuổi có cơ hội làm cha, làm mẹ. Mặc dù thấu hiểu nỗi thèm khát có được mụn con của những vợ chồng vô sinh nhưng tôi lo rằng đứa con được sinh ra từ những cha mẹ vô sinh lớn tuổi, gần hưu trí thì tương lai không mấy sáng sủa.

GS-BS NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Ngọc (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN