Người mắc bệnh tim, thận nếu uống nước theo cách này hãy bỏ ngay nếu không sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng
Việc uống nước để thanh lọc cơ thể là tốt, là cách tăng cường trao đổi chất. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với một số người, nhất là những người mắc bệnh thận, bệnh tim.
Mặc dù việc uống nước có lợi cho sức khỏe, nhưng vừa qua, các bác sĩ tại bệnh viện Đài Loan (Trung Quốc) cho biết đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân 60 tuổi phải nhập viện cấp cứu gấp do uống nhiều nước vì nghĩ uống nhiều nước sẽ tốt cho sức khỏe.
Được biết, bệnh nhân có tiền sử tiểu đường và bệnh tim, phải dùng thuốc trong thời gian dài. Do sợ rằng lượng thuốc lớn đưa vào cơ thể sẽ gây độc, và nghe nói thói quen uống nhiều nước mỗi ngày sẽ giúp thanh lọc, giải độc, nữ bệnh nhân quyết tâm làm theo.
Ảnh minh họa
Mỗi ngày, người phụ nữ này uống 2,5 lít nước và ăn thêm nhiều trái cây mọng nước, uống canh hầm. Duy trì kiểu ăn uống này được 2 tuần, bà bắt đầu có triệu chứng khò khè, khó thở, hơi thở yếu... nên gia đình phải đưa đi khám.
Qua xét nghiệm và chụp X-quang, bác sỹ phát hiện toàn bộ phổi của bệnh nhân đã trắng xóa. Bà còn bị suy tim nghiêm trọng. Các bác sĩ đã điều trị tích cực, theo dõi, đồng thời điểu điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Hiện, bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.
Theo bác sỹ, việc uống nước để thanh lọc cơ thể là tốt, là cách tăng cường trao đổi chất. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với một số người, chẳng hạn như người bị suy tim và bệnh thận. Cơ thể người suy tim không thể thải nước theo cách bình thường do trái tim không hoạt động đủ mạnh để đẩy nước ra ngoài. Người bị bệnh thận cũng không loại bỏ nước một cách dễ dàng do chức năng thận kém đi. Do đó, họ chỉ được uống nước vừa phải.
Nước nạp vào cơ thể bao nhiêu là đủ?
Theo các chuyên gia y tế, hơn một nửa (60%) trọng lượng cơ thể của chúng ta là nước. 2/3 trong số đó nằm trong tế bào và 1/3 nằm trong máu và các mô giữa tế bào. Cơ thể cần giữ nước ở trạng thái cân bằng với lượng nước nạp vào bằng lượng nước mất đi.
Hầu hết mọi người cần tổng cộng 2 lít nước mỗi ngày, dù còn tùy thuộc vào cân nặng, nhiệt độ môi trường xung quanh và mức độ hoạt động thể chất. Nước có thể mất đi thông qua nước tiểu, phân, mồ hôi và hơi thở.
Mức tiêu chuẩn 2 lít nước mỗi ngày bao gồm lượng nước đến từ đồ uống lẫn thực phẩm. Nhiều loại thực phẩm có hàm lượng nước cao, là nguồn cung cấp nước đáng kể. Chế độ ăn uống lành mạnh, ăn càng nhiều trái cây và rau thì lượng nước càng cao.
Hầu hết các loại trái cây chứa hơn 80% nước. Ví dụ dưa, các loại trái cây họ cam quýt, đào, dâu tây và quả mâm xôi chứa khoảng 90% nước. Các loại rau cũng chứa hơn 85% nước. Trong đó, xà lách, cà chua, dưa chuột, cần tây, củ cải và bí xanh có khoảng 95% nước.
Các đồ uống có chứa caffein như cà phê, trà, nước tăng lực, các loại nước ngọt, bia, rượu đều có tác dụng lợi tiểu, khiến người uống đi tiểu nhiều hơn so với lượng tiêu thụ. Vì vậy, nếu dùng những đồ uống này cần bổ sung nước để duy trì trạng thái cân bằng.
Ảnh minh họa
6 dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang thiếu nước
- Đói và thèm đồ ngọt: Khi cơ thể thiếu nước sẽ gây ra cảm giác đói, thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt.
- Đi tiểu ít, giảm lượng nước tiểu: Nếu số lần đi tiểu trong ngày chỉ khoảng 2 - 3 lần hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ chính là biểu hiện của cơ thể đang bị thiếu nước.
- Nước tiểu có màu sẫm và đặc: Nước tiểu sẫm màu hơn, đậm đặc hơn có thể cho thấy bạn đang trong tình trạng mất nước.
- Khô da: Khô da là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi cơ thể thiếu nước.
- Miệng khô và có mùi hôi: Cơ thể bị thiếu nước sẽ giảm tiết nước bọt, khiến cho miệng bị khô và có mùi hôi.
- Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai: Cơ thể thiếu nước ảnh hưởng đến hoạt động của não và hệ tuần hoàn gây ra các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt và ù tai.
Nguồn: [Link nguồn]
Uống đủ nước mỗi ngày là một thói quen quan trọng để duy trì sức khỏe. Tuy nhiên đôi khi có những triệu chứng bất thường khi uống nước mà chúng ta rất dễ bỏ qua.