Người mắc bệnh nền đăng ký tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thế nào?
"Lãnh đạo Sở Y tế thì nói người có bệnh nền thuộc diện ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong đợt 5 mà Thành phố đang triển khai; còn phường, quận thì bảo chỉ ưu tiên cho người trên 65 tuổi?...". Nhiều thắc mắc của người dân TP HCM gửi đến Báo Người Lao Động.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết điểm khác biệt trong đợt tiêm lần thứ 5 này so với 4 đợt tiêm trước là thành phố ưu tiên cho nhóm người có bệnh lý nền và người trên 65 tuổi.
- Phóng viên: Trong kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đợt 5, TP HCM ưu tiên tiêm cho các đối tượng người trên 65 tuổi và người mắc bệnh nền, vậy những trường hợp này sẽ đăng ký như thế nào để được tiêm, thưa ông?
+ Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức: Đối tượng tiêm vắc-xin tại bệnh viện sẽ có 2 nhóm, gồm người có bệnh nền (thận mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...) và người trên 65 tuổi.
Hiện nay, trong kế hoạch tiêm, có một lưu ý là 4 loại bệnh nền nói trên sẽ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Đối với những người có bệnh nền uống thuốc hàng ngày và có sức khỏe ổn định thì sẽ được chỉ định tiêm. Những trường hợp mắc bệnh điều trị nội trú hoặc thường kỳ tại các bệnh viện sẽ được bệnh viện quản lý, lập danh sách và tổ chức tiêm.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nói về việc đăng ký tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại cuộc họp được tổ chức hôm 26-7
Cụ thể hơn, hiện nay có 2 nhóm, thứ nhất là các bệnh viện hiện có tham gia tổ chức tiêm vắc-xin nên sẽ tổ chức tiêm luôn cho những trường hợp đang được điều trị và quản lý tại đây. Nhóm 2 là, có một số bệnh viện đã chuyển công năng một phần hay toàn bộ thành đơn vị điều trị Covid-19, nên danh sách sẽ được bệnh viện chuyển về bệnh viện bạn để tổ chức tiêm.
Danh sách tiêm sẽ được các bệnh viện gửi về Phòng Nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế TP HCM hoặc một số bộ phận quản lý. Sau đó, dựa vào danh sách họ sẽ điều phối và thông báo với người dân. Bởi các trường hợp này được đưa vào hệ thống tiêm chủng quốc gia để quản lý, báo cáo.
- Thưa ông, hiện nay có nhiều người lo lắng vì đã đăng ký nhưng không biết khi nào mình được tiêm?
+ Lưu ý để bà con đỡ sốt ruột, đó là với những đối tượng đặc biệt như các cô chú lớn tuổi hoặc những người có bệnh nền, hoặc trong đó có nhiều người mắc bệnh nền cũng là người lớn tuổi thì việc tiêm vắc-xin khó có thể tổ chức tiêm với tốc độ cao. Bởi những trường hợp này phải làm kỹ lưỡng, chăm sóc và bảo đảm an toàn sức khỏe cho họ.
Vì vậy, việc tổ chức tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho những người có bệnh lý nền và người trên 65 tuổi có thể chậm hơn so với việc tiêm cho các đối tượng khác ở ngoài cộng đồng. Mong rằng bà con kiên nhẫn, không quá sốt ruột!
- Theo thống kê, hiện nay TP HCM có bao nhiêu người trên 65 tuổi, thưa ông?
+Theo Tổng cục thống kê, hiện TP HCM có hơn 450.000 người trên 65 tuổi. Đến nay, hệ thống đăng ký tiêm chủng vắc-xin ghi nhận khoảng 117.000 người thuộc nhóm này đăng ký tiêm và số này sẽ tăng liên tục thường xuyên theo danh sách các quận - huyện gửi về. Hiện TP đang cố gắng tiêm thật nhanh, an toàn cho các đối tượng ngoài cộng đồng sau đó sẽ tiếp tục tiêm cho các trường hợp "đặc biệt".
- Quy trình tiêm được thực hiện như thế nào, thưa ông?
+ Quy trình tiêm do Bộ Y tế đưa ra rất chặt chẽ, an toàn, đặc biệt với đối tượng có bệnh lý nền. Cụ thể, trước khi tiêm người tiêm sẽ được khám sàng lọc 2 bước, đo huyết áp, thậm chí SpO2 (đo nồng độ oxy trong máu). Sau đó, bác sĩ mới chỉ định tiêm và phải chờ thêm 30 phút để theo dõi.
Khám sàng lọc và chờ sau tiêm cũng là hai nguyên nhân khiến tốc độ tiêm chậm. Hiện, tốc độ tiêm đạt 60% kế hoạch đề ra, thời gian tới TP sẽ cố gắng đạt công suất 100.000 mũi tiêm/ngày.
Xin cám ơn ông!
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết TP đang có 743.000 liều vắc-xin tại kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC). Trong đó, 610.000 liều AstraZeneca, 108.000 liều vắc-xin Moderna và 25.740 liều Pfizer. |
Dự kiến, tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vắc-xin ra thị trường.
Nguồn: [Link nguồn]