Người hút thuốc lá nguy cơ mắc COVID-19 cao gấp 1,5 lần, dễ trở nặng khi nhiễm virus
COVID-19 tấn công và làm suy yếu phổi, khiến những người hút thuốc lá nguy cơ mắc cao hơn và bệnh có thể nặng hơn khi nhiễm virus.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói nhân sự kiện gặp mặt hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5: "Hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ tử vong cao hơn".
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định người hút thuốc lá dễ bị mắc COVID-19 cao gấp 1,5 lần, từ đó nguy cơ lây nhiễm cho gia đình và người xung quanh.
Theo CDC Hoa Kỳ, những bằng chứng ban đầu từ Trung Quốc và Ý cho thấy những bệnh nhân đã có bệnh nền (bao gồm hút thuốc và các bệnh liên quan hút thuốc) có thể dẫn đến các kết quả nghiêm trọng hơn hoặc tử vong do COVID-19.
Một nghiên cứu xem xét kết quả lâm sàng (đã được công bố) từ 1.099 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận trong phòng thí nghiệm từ 535 bệnh viện trên khắp Trung Quốc cho thấy: 12,4% những người hút thuốc tử vong do mắc COVID-19 cần đưa vào những đơn vị chăm sóc đặc biệt hoặc phải thở máy. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ 4,7% ở những người không hút thuốc.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cũng cho biết COVID-19 tấn công và làm suy yếu phổi, khiến những người hút thuốc lá nguy cơ mắc cao hơn và bệnh có thể nặng hơn khi nhiễm virus.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: Cương Quyết
Hành vi hút thuốc đòi hỏi việc chuyển động liên tục từ tay đến miệng, tạo ra đường lây truyền virus tiềm ẩn qua miệng, mũi. Đồng thời, việc sử dụng các ống ngậm dùng chung như thuốc lào, shisha... khiến lây lan SARS-CoV-2.
Trong đại dịch COVID-19, có hàng triệu người trên thế giới muốn bỏ thuốc lá vì sức khoẻ của bản thân và người thân trong gia đình. Bỏ thuốc lá giúp cải thiện chức năng phổi, đáp ứng miễn dịch và sức khoẻ tim mạch, đưa những người hút thuốc trước đây vào tình trạng sức khoẻ tốt hơn để chống lại nhiễm trùng nặng như COVID-19.
Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam hiện có xu hướng giảm, cụ thể ở nam giới từ 15 tuổi trở lên là 42,3%, so với điều tra năm 2015 là 45,3%.
Tuy nhiên, gần đây, ngoài các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào đang được quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã và đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. WHO khẳng định, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại dưới mọi hình thức.
Để hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 với chủ đề "Cam kết bỏ thuốc lá", Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá kêu gọi những người chưa hút thì không hút thuốc lá, những người đang hút hãy bỏ thuốc.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo người hút thuốc lá dễ bị mắc COVID-19. Đặc biệt, người hút thuốc nhiễm SARS-CoV-2...