Người hết cách ly tập trung phòng COVID-19 phải làm gì mới không vi phạm?
Người đã hoàn thành cách ly tập trung tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tại nhà, nơi lưu trú. Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế đến nơi đông người; thường xuyên thực hiện theo biện pháp 5K của Bộ Y tế.
Sáng 4/5, Bộ Y tế thông báo khẩn tới các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh/thành phố để báo cáo Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh liên quan việc từ 0h ngày 4/5, các địa phương tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính).
Chính sách tạm thời này được đưa ra do thời gian gần đây có một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính với SASR-CoV-2, làm lây lan dịch. Những người nhập cảnh đủ điều kiện ra khỏi khu cách ly (theo quy định cũ) này sẽ chờ cho tới khi có thông báo mới của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19.
Nếu tính cả nam chuyên gia Ấn Độ ở Hà Nội vừa phát hiện dương tính SARS-CoV-2 sáng nay, từ 27/4 đến nay đã có 3 trường hợp sau khi hết cách ly tập trung (có 2-3 lần âm tính) lại nhận kết quả dương tính khi trở về nơi cư trú. Kết quả đã có ít nhất 35 người liên quan những trường hợp này dương tính SARS-CoV-2. |
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh vai trò, ý thức tuân thủ pháp luật của công dân, chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam sau khi hết thời gian cách ly.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - tại buổi làm việc khẩn với tỉnh Vĩnh Phúc khi tỉnh này phát hiện chùm ca bệnh ở quán Sunny (TP Phúc Yên) liên quan chuyên gia Trung Quốc dương tính SARS-CoV-2 sau khi hết cách ly, nhấn mạnh điều này.
Ông cho biết dù không bắt buộc phải cách ly thêm 14 ngày tại nhà, nhưng người vừa ra khỏi khu cách ly tập trung, về nơi cư trú, phải thông báo cho chính quyền địa phương, theo dõi sức khoẻ 14 ngày và thông tin cho cán bộ y tế về tình hình sức khoẻ, hạn chế đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc, nếu tiếp xúc phải có phương tiện bảo hộ (khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách....).
"Nếu người từ khu cách ly về tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết, khai báo y tế đầy đủ thì sẽ không có những vụ việc như vừa rồi xảy ra, không để bệnh lây lan sang các tỉnh..." - chuyên gia Trần Đắc Phu chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh, việc đi uống bia rượu, hát karaoke, không đeo khẩu trang… chính là vi phạm vào quy định áp dụng biện pháp phòng bệnh cá nhân sau 14 ngày cách ly tập trung.
Quy định rất cụ thể trách nhiệm bên giao, bên nhận, người cách ly và chính quyền cơ sở
Theo Công văn số 425 Hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ngày 19/1/2021, việc tổ chức bàn giao, tiếp nhận và đưa đón người đã hoàn thành cách ly tập trung về nơi lưu trú tiếp tục theo dõi, giám sát y tế 14 ngày (kể từ ngày có quyết định hoàn thành cách ly) phải theo nguyên tắc là khi địa phương tiếp nhận người hết thời hạn cách ly tập trung phải có đầy đủ điều kiện, giấy tờ, kết quả xét nghiệm.
Ảnh minh hoạ
Đơn vị quản lý khu cách ly tập trung phải hướng dẫn cụ thể cho người đã hoàn thành cách ly tập trung tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tại nhà, nơi lưu trú. Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế đến nơi đông người; thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.
Sở Y tế ở địa phương nơi thực hiện cách ly tập trung (tức là nơi giao) có văn bản thông báo danh sách những người đã hoàn thành cách ly ngay khi họ có quyết định hoàn thành cách ly cho Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly về lưu trú và các đơn vị liên quan (tức là nơi nhận) biết để tiếp tục quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát y tế trong 14 ngày tiếp theo.
Người cách ly phải khai báo với Bí thư chi bộ thôn (khu phố), trưởng thôn (khu phố) khi về đến nơi lưu trú và phải có cam kết thực hiện việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú; Phải chủ động thông báo cho cơ quan y tế địa phương nơi lưu trú biết ngay khi trở về từ khu cách ly tập trung về tình trạng sức khỏe và ghi nhật ký tiền sử tiếp xúc gần cho đến khi hết 14 ngày tiếp theo.
Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly về lưu trú tại địa phương tiếp nhận thông tin về những người đã hoàn thành cách ly về địa bàn cư trú, có kế hoạch và thực hiện quản lý, kiểm tra, theo dõi y tế họ cho đến hết 14 ngày.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh sau khi hoàn tất thời gian cách ly, có những tỉnh, thành phố tiếp tục yêu cầu người nhập cảnh xét nghiệm RT-PCR thêm hoặc yêu cầu cách ly thêm. Tuy nhiên, điều chắc chắn là trường hợp người hết cách ly đang theo dõi sức khoẻ tại nhà/nơi lưu trú thấy có bất thường về sức khỏe như sốt, có triệu chứng của đường hô hấp (ho, khó thở, đau họng...) thì đề nghị ở nhà và nhanh chóng điện thoại liên hệ tới cơ quan y tế ngay để được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, cần nêu rõ mình đang trong thời gian 14 ngày sau khi hoàn tất cách ly. |
Người hết cách ly tập trung di chuyển ra sao để về nơi cư trú?
Theo quy định, nếu đi bằng phương tiện vận tải đường bộ, người hết cách ly tập trung phải đi bằng xe riêng (do người hoàn thành cách ly hoặc cơ quan sử dụng người nhập cảnh hoặc chủ cơ sở cách ly tập trung hoặc địa phương bố trí). Xe phải được đăng ký trước với đơn vị quản lý khu cách ly tập trung, không tổ chức đưa đón đông người (chỉ gồm lái xe hoặc/và người giám sát đi cùng).
Người hoàn thành cách ly, lái xe hoặc người đi cùng (nếu có) phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, bố trí, sử dụng thường xuyên dung dịch sát khuẩn tay khi lên, xuống xe và trong suốt quá trình di chuyển; cài đặt và mở ứng dụng truy vết (Bluezone) liên tục và áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân theo quy định.
Đặc biệt lưu ý hạn chế tiếp xúc gần (<2m) với người khác trong quá trình di chuyển; Hạn chế dừng, đỗ ăn uống dọc đường, tốt nhất đi thẳng từ khu cách ly tập trung về nhà, nơi lưu trú.
Nếu di chuyển bằng phương tiện vận tải hàng không, tàu, cần thông báo, liên hệ trước với đơn vị vận chuyển về việc người cách ly đã hoàn thành cách ly tập trung để đơn vị vận chuyển biết, có phương án bố trí các biện pháp phòng chống dịch (như vị trí chỗ ngồi, các biện pháp phòng chống lây nhiễm...) khi sử dụng phương tiện.
Người hoàn thành cách ly thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, phòng lây nhiễm theo quy định của đơn vị vận chuyển trong suốt quá trình di chuyển. Thường xuyên đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay trước, trên máy bay, tàu trong suốt quá trình di chuyển. Khai báo y tế, cài đặt và mở ứng dụng truy vết (Bluezone) liên tục và áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân theo quy định.
Nguồn: [Link nguồn]
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Y tế công cộng Việt Nam phân tích về khả năng bị lây...