Người dân phấp phỏng lo chuột cắn
Một bệnh nhân mắc hội chứng suy thận cấp do nhiễm virus Hanta từ chuột cống ở TPHCM làm dấy lên lo ngại dịch bệnh này tấn công người dân.
Chuột khắp nơi
“Em lại chuẩn bị chuyển phòng trọ bởi chuột ở đây nhiều quá. Mới đây lại nghe chuột cắn truyền bệnh suy thận cấp nên tụi em rất lo”- Huy Minh, sinh viên ở trọ tại hẻm 45 đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TPHCM nói. Bà Phạm Thị Oanh, chủ khu nhà trọ cho biết, hơn tháng nay người trọ hết chuyển đến lại chuyển đi vì nhà quá nhiều chuột.
“Ai cũng than tối ngủ là chuột rúc vào người. Có sinh viên còn bị chuột cắn”- bà Oanh không giấu giếm. Vài ba tháng bà Oanh thuê người tới diệt chuột một đợt, nhưng sau đó chuột quay trở lại.
“Cứ 1-2 giờ khuya, người ở trọ lại hét lên, dậy bật đèn thì chuột chạy tán loạn. Người tới thuê phòng chỉ ở được vài bữa lại trả phòng. Tới giờ, 3 phòng trọ trong nhà đành bỏ trống vì không ai dám thuê”- ông Hoàng Văn An chủ khu trọ trên hẻm 193 đường Trần Văn Đang, quận 3 kể.
Long Quân thuê trọ ở đây cũng thú thật: “Chuột nhiều, thường xuất hiện vào đêm. Có đêm, chuột vào cắn xé cả quần áo”.
Chuột cống được xác định mang virus hanta gây chứng suy thận cấp Ảnh: L.N.
Phạm Văn Cường, sinh viên ĐH Nông Lâm, trọ tại làng ĐH Thủ Đức cho biết, người ngủ thì chuột hoạt động bên cạnh: “Nấu cơm xong mới dọn ra chưa kịp ăn, chạy đi xin quả ớt phòng bên về đã thấy chuột bủa vây đồ ăn. Mua bẫy về bắt chuột có giảm nhưng rồi chúng tái xuất”.
Nhiều hộ gia đình ở khu Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7 cũng ngao ngán với chuột. Chuột cống ở đây tụ tập thành “ổ”.
Ông Thành sống ở 352/19 đường Bùi Văn Ba nói: “Có con to như ổ bánh mì, sống chung với người riết thành quen đến khi đuổi cũng không thèm chạy. Mới đây nghe nói chuột gây ra dịch bệnh, xóm giăng bẫy nhưng không ăn thua.
Người dân quanh khu vực tăng cường tổng vệ sinh, không vứt đồ ăn thừa. Thế nhưng lúc chuột đói lại tìm vào nhà dân nhiều hơn, lục xoong nồi và cắn phá đồ đạc.
Mới mua được căn nhà tại chung cư Bình An, phường Bình An, quận 2 được một tháng, anh Trần Phú Quang đã ngao ngán thông báo với quản lý chung cư vì bị các “ông Tí” vào nhà.
“Chung cư mới xây mà chuột khắp nơi, rác mỗi tối đều để trước cửa, sáng có nhân viên tới thu nhưng chưa kịp dọn thì trong đêm chuột đã cắn phá bầy khắp ban công”- anh Quang nói.
Nhiều khu dân cư ở khu vực chợ Tân Sơn Nhất đường Nguyễn Thái Sơn phường 2, quận Tân Bình cũng than trời. Khi tan chợ, chuột lại quần tụ nhau ăn đồ thừa, khi trời mưa cống ngập chuột lại chạy vào… trú nhà dân”.
3 bệnh nhân đầu tiên ở Hà Nội
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang điều trị 3 bệnh nhân bị chuột cắn. Cả ba người đều bị sốt cao, đau nhức, mất ăn mất ngủ. Rất may họ chưa bị suy thận như nhiều trường hợp ở TPHCM.
Bệnh nhân N.V.K (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị chuột cắn cách đây 2 tuần trong lúc đang gỡ chuột ra khỏi bẫy. Anh K. cẩn thận đi tiêm phòng. Thế nhưng sau một tuần, vết cắn sưng tấy dần, bệnh nhân sốt cao, ớn lạnh từng cơn, phải nhập viện điều trị.
Nửa đêm, đang ngủ thì chuột bò lên giường, chui vào chăn, anh T.Q.Q. thò tay tóm thì bị chuột cắn chảy nhiều máu. Anh Q. chỉ rửa tay bằng nước lã.
Ba ngày sau, vết thương lành, chỉ hơi sưng, và bắt đầu gây sốt. Anh Q. mua thuốc uống nhưng không đỡ, những ngón tay không bị cắn cũng bắt đầu đau, người đôi lúc choáng váng.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, đây là bệnh Sodoku do một loại xoắn khuẩn có tên là Spirillum minus gây ra.
Chuột cống, chuột đồng là nguồn lưu trữ mầm bệnh nhiều nhất. Trong máu của chúng có tới 10 đến 20% mang xoắn khuẩn. Khi bị chuột mắc bệnh cắn phải, xoắn khuẩn sẽ theo nước bọt chuột xâm nhập cơ thể qua vết cắn.
Chỗ cắn bị viêm rồi dần dần bị loét, kèm theo nổi hạch ở vùng lân cận. Xoắn khuẩn, lan tràn khắp cơ thể rồi cư trú trong các cơ quan như gan, thận, thượng thận, tinh hoàn, buồng trứng... Từ đây, xoắn khuẩn sẽ vào máu từng đợt gây ra các đợt sốt.
Nếu bệnh diễn biến nặng, không điều trị kịp thời, có thể bị biến chứng như viêm màng não, nhồi máu cơ tim, viêm gan, viêm màng phổi, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu nặng.