Người đàn ông ở Quảng Ninh phát hiện ung thư tuyến tiền liệt từ dấu hiệu nhiều nam giới Việt bỏ qua

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Người đàn ông này bị bí tiểu, khó tiểu khoảng 1 tháng trở lại đây, đến viện khám bất ngờ phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết lần đầu triển khai phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ tuyến tiền liệt cho nam bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt. Đây là ứng dụng kỹ thuật mới, ít xâm lấn nhằm nâng cao chất lượng điều trị.

Bệnh nhân là ông Vũ Văn H. (69 tuổi) ở phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, bị bí tiểu, khó tiểu khoảng 1 tháng trở lại đây, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Người đàn ông ở Quảng Ninh phát hiện ung thư tuyến tiền liệt từ dấu hiệu nhiều nam giới Việt bỏ qua - 1

Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thăm khám, được xét nghiệm phát hiện chỉ số PSA (chất chỉ điểm ung thư tuyến tiền liệt) trong máu tăng. Chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung phát hiện có nhân trong tuyến tiền liệt, tiếp tục sinh thiết tuyến tiền liệt cho thấy đây là ung thư biểu mô tuyến tiền liệt. Sau khi hội chẩn các chuyên khoa, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ tuyến tiền liệt.

Sau mổ, bệnh nhân diễn biến tốt, không đau, đi lại và ăn uống bình thường từ ngày thứ 2, ống thông tiểu được rút sau 9 ngày. Đến nay, bệnh nhân tự đi tiểu tốt và chuẩn bị xuất viện.

Bệnh nhân H. chia sẻ: "Nghe đến mắc ung thư là gia đình ai cũng hoang mang, lo lắng. Tôi cũng đắn đo khi điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng được bác sĩ tư vấn tận tình, thực hiện phẫu thuật bằng phương pháp nội soi nhẹ nhàng, nên bản thân quyết tâm chữa trị tại đây. Sau mổ thấy hồi phục tốt, tôi và gia đình rất mừng. Cảm ơn các bác sĩ đã nhiệt tình, tâm huyết với người bệnh".

Bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ tuyến tiền liệt là một trong những phẫu thuật khó nhất, phức tạp trong điều trị ung thư đường tiết niệu, gây ra nhiều thách thức cho phẫu thuật viên. Bởi tuyến tiền liệt nằm sâu ở vùng bụng, dưới xương mu, tập trung nhiều mạch máu, xoang tĩnh mạch lớn, vì vậy đòi hỏi bác sĩ phải nắm vững kiến thức giải phẫu, kỹ năng tay nghề thuần thục cùng kinh nghiệm xử lý các tình huống trong mổ mới có thể thao tác trong không gian rất nhỏ hẹp, kiểm soát tốt chảy máu, bảo tồn chức năng đường tiểu và sinh lý. Ở các nước phát triển, phẫu thuật này được thực hiện bởi robot, rất tốn kém chi phí.

Dù phức tạp và nhiều nguy cơ, song chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bởi phương pháp này mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, làm giảm sang chấn do không phải mổ mở, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, mất máu, thời gian nằm viện ngắn, hồi phục nhanh, đặc biệt là ở những bệnh nhân cao tuổi, già yếu như bệnh nhân H. Với sự nỗ lực học hỏi không ngừng, chúng tôi đã quyết tâm triển khai kỹ thuật này với ca đầu tiên này cho kết quả khả quan, giúp người bệnh ung thư được điều trị nhẹ nhàng, triệt để và lâu dài".

Bác sĩ khuyến cáo: Nam giới trên 50 tuổi nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt định kỳ, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình mắc bệnh. Cần chú ý các dấu hiệu bất thường như tiểu khó, tiểu đau, tiểu ra máu, hoặc đau vùng lưng dưới và xương chậu để thăm khám sớm và phát hiện kịp thời, từ đó sẽ giúp tăng cơ hội sống và giảm biến chứng nguy hiểm.

Sau khi phát hiện ung thư tuyến tiền liệt, người đàn ông 57 tuổi thừa nhận đã vô cùng ân hận vì không nghe lời khuyên của vợ là đi khám sớm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.H (th) ([Tên nguồn])
Ung thư tuyến tiền liệt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN