Người đàn ông ở Phú Thọ tiểu ra máu, đi khám bất ngờ phát hiện mắc ung thư hiếm gặp
Đây là một bệnh lý ác tính hiếm gặp, muốn chẩn đoán cần có những bác sĩ chuyên khoa ở những bệnh viện chuyên biệt.
Vừa qua, Khoa Ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã phối hợp cùng các chuyên gia Bệnh viện K Trung ương phẫu thuật thành công cho nam bệnh nhân 70 tuổi bị ung thư đường bài xuất thận phải cT1N0M0.
Bệnh nhân có tiền sử đái máu dai dẳng nhiều lần nhưng không tìm ra nguyên nhân, nay vào bệnh viện thăm khám đã phát hiện ung thư đường bài xuất thận phải cT1N0M0/ Tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu.
Sau hơn 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định, ra viện, sức khỏe hồi phục tốt. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân đã được các bác sĩ tư vấn và chỉ định phẫu thuật cắt thận - niệu quản phải, bán phần bàng quang bởi ekip chuyên gia Bệnh viện K cùng các bác sĩ khoa Ung bướu Bệnh viện Đa Khoa Hùng Vương.
Hiện tại, sau hơn 10 ngày phẫu thuật bệnh nhân đã ổn định, ra viện, sức khỏe hồi phục tốt.
Đây là một bệnh lý ác tính hiếm gặp, muốn chẩn đoán cần có những bác sĩ chuyên khoa ở những bệnh viện chuyên biệt. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo tới người dân khi có dấu hiệu rối loạn tiểu tiện cần đến những cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.
Ung thư đường bài xuất là gì?
Trao đổi với PV SKĐS, ThS Nguyễn Duy Trí Dũng (Khoa Ngoại tiết niệu - Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết: Ung thư đường bài xuất tiết niệu trên là những khối u ác tính, phát triển từ tế bào niêm mạc các đài thận, bể thận và niệu quản.
Ảnh minh họa
Đây là một bệnh hiếm gặp, chỉ chiếm từ 5-10% ung thư biểu mô của toàn bộ đường tiết niệu (đài thận, bể thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo), với tần xuất mắc khoảng 1-2 trường hợp/100.000 người. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 50-70 tuổi, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Nguyên nhân của bệnh chưa thực sự rõ ràng, nhưng nhiều yếu tố nguy cơ được đề cập đến là do môi trường sống như nghiện thuốc lá, thuốc nhuộm công nghiệp hay các hội chứng khối u di truyền.
Bệnh nhân mắc ung thư đường bài xuất tiết niệu có triệu chứng mơ hồ, không đặc hiệu, xuất hiện bất thường, nên được phát hiện và chẩn đoán muộn. Tính chất ác tính của khối u thể hiện ở các điểm: dễ lan rộng ra xung quanh, dễ phát sinh ra toàn bộ đường tiết niệu và dễ tái phát. Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều tiến bộ góp phần chẩn đoán sớm bệnh và giai đoạn bệnh.
Người bệnh ung thư đường bài xuất cần làm gì để ổn định sức khỏe
Ảnh minh họa
- Chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi bữa cách nhau 2-3 tiếng, mỗi ngày 5-6 bữa, mỗi bữa có thể ăn các loại thực phẩm khác nhau để kích thích vị giác, giúp người bệnh ăn ngon miệng hơn.
- Nắm vững các nhóm thực phẩm nên dùng và không nên dùng cho người bị ung thư tiết niệu. Ngoài ra cần chế biến thực đơn đa dạng, hấp dẫn để kích thích người bệnh.
- Vì người bệnh cần vận động nhiều vào ban ngày nên sắp xếp thực đơn buổi sáng có nhiều năng lượng hơn buổi tối.
- Cần giữ cho tinh thần và trạng thái người bệnh được thoải mái nhất, tránh suy nghĩ. Người bệnh cũng cần tăng cường thể dục thể thao bằng các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe.
- Tham khảo chế độ ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ và có chế độ theo dõi, tái khám thường xuyên theo định kỳ.
Nguồn: [Link nguồn]
Người đàn ông bị nhiễm trùng răng miệng nhưng vì mắc bệnh tiểu đường, các chức năng thần kinh tương đối chậm nên không cảm nhận được cơn đau và không đi khám kịp thời.