Người đàn ông ở Hà Nội bị suy thận cấp vì uống nước theo cách này dưới trời nắng nóng
Nguyên nhân gây suy thận cấp ở người đàn ông 71 tuổi ở Hà Nội là do làm việc suốt buổi sáng dưới trời nắng nóng nhưng ông chỉ mang theo 500ml nước để uống.
Bị suy thận cấp vì uống không đủ nước
Thông tin từ BVĐK Đức Giang cho biết, tại đây các bác sĩ đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân T.T.A (71 tuổi, ở Hà Nội) nhân bị suy thận cấp do mất nước ở bệnh nhân nam 71 tuổi.
Được biết, bệnh nhân T.T.A nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, nôn khi ăn uống. Theo lời kể của bệnh nhân, 3 ngày trước khi nhập viện, ông có đi làm ruộng từ 7h sáng đến trưa dưới trời nắng nóng. Trong suốt thời gian làm việc, ông chỉ mang theo 500ml nước để uống.
Sang ngày hôm sau, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và nôn khi ăn uống. Gia đình đã đưa ông đến cơ sở y tế gần nhà để theo dõi và điều trị. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng tăng ure, creatinin máu và được chẩn đoán suy thận cấp do thiếu nước.
Người đàn ông bị suy thận cấp do bù nước không đúng cách.
Sau một ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng suy thận cấp là tăng kali máu (kali máu 6,7 mmol/l). Do tiên lượng nặng và có nguy cơ phải lọc máu, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để tiếp tục điều trị.
Lúc nhập viện, chỉ số creatinin của bệnh nhân cao tới gần 800 µmol/l và kali máu 6,7 mmol/l. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành đánh giá toàn diện tình trạng bệnh nhân và phối hợp các xét nghiệm cận lâm sàng. Bệnh nhân được bù nước và điện giải tích cực.
Sau 2 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân dần ổn định. Chức năng thận có dấu hiệu phục hồi: Bệnh nhân tiểu trung bình 5 lít/24 giờ, kali máu về trong giới hạn bình thường, creatinine máu giảm xuống khoảng 400 µmol/l và không cần phải lọc máu.
Theo phân tích của TS Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, trời nắng nóng khiến cơ thể mất nước và điện giải nhiều. Nếu không được bù nước đúng cách, cơ thể sẽ bị giảm thể tích tuần hoàn, dẫn đến giảm lượng máu cung cấp cho các mô và cơ quan, đặc biệt là thận, gây ra tình trạng suy thận cấp.
"Trời nắng nóng, khi lao động trong điều kiện bình thường, mỗi ngày chúng ta cần bù 3-4 lít nước. Với những người phải làm việc trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt như bệnh nhân trên, lượng nước cần bù phải nhiều hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ uống 500ml nước trong suốt buổi sáng" - TS Nguyễn Văn Tuyên nhấn mạnh.
Giai đoạn cao điểm nắng nóng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng suy thận cấp do mất nước. Theo thống kê, chỉ trong hai tháng cao điểm nắng nóng của năm 2023, Khoa Nội thận – Tiết niệu đã tiếp nhận 5 bệnh nhân suy thận cấp do mất nước.
Từ thực trạng này, TS Nguyễn Văn Tuyên khuyến cáo người dân cần đảm bảo bổ sung đủ nước và điện giải trong điều kiện nắng nóng hiện nay để tránh các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là suy thận cấp.
5 biến chứng đáng sợ của bệnh suy thận
Người bệnh suy thận được lọc máu có thể giúp giảm bớt áp lực cho thận, giúp thận khỏe hơn, nhưng việc này cũng không thể thay thế hoàn toàn chức năng của thận. Vì thế, người bị bệnh vẫn có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là dẫn đến tử vong.
Ảnh minh họa
Suy thận gây thiếu máu
Bất kỳ ai cũng có thể bị thiếu máu, nhưng tình trạng này thường phổ biến ở những người bị bệnh thận mạn tính. Người bệnh có thể bắt đầu bị thiếu máu trong giai đoạn đầu, nhưng trầm trọng hơn ở giai đoạn 3-5. Nguyên nhân của tình trạng này là do thận giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu. Khi thận không hoạt động bình thường, cơ thể sẽ thiếu hụt hồng cầu, gây ra thiếu máu.
Gây bệnh về xương khớp
Mỗi người cần canxi, vitamin D, phốt pho để có một bộ xương chắc khỏe. Khi thận khỏe sẽ giữ cho hàm lượng các chất này ổn định và bảo vệ sức khỏe của xương. Nếu bị suy giảm chức năng, thận có thể không thực hiện được vai trò cân bằng này. Đặc biệt, khi thận yếu, phốt pho không được đào thải ra ngoài mà tích tụ trong máu gọi là tăng phốt phát trong máu dẫn đến nguy hiểm.
Gây bệnh tim
Bệnh tim mạch và thận có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đồng thời, bệnh tim chính là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở người đang lọc máu.
Điều này được giải thích là bệnh tim sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn máu. Máu bị ùn ứ ở tim gây ra áp lực tích tụ trong tĩnh mạch chính nối với thận, có thể dẫn đến tắc nghẽn và giảm cung cấp máu chứa oxy cho thận. Điều này có thể gây ra bệnh thận.
Và như một vòng tuần hoàn, khi thận hoạt động không tốt, hệ thống hormone điều hòa huyết áp của người bệnh phải làm việc nhiều hơn để tăng lượng máu cung cấp cho thận. Khi đó, tim phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến bệnh tim.
Tăng kali máu
Kali chủ yếu tồn tại trong thực phẩm và có vai trò giúp các cơ hoạt động, bao gồm cả các cơ kiểm soát nhịp tim và hơi thở. Nếu thận khỏe mạnh sẽ đào thải lượng kali dư thừa ra ngoài để cân bằng nồng độ của chất này trong máu.
Với người bị suy thận, thận không thể hoặc không đào thải hết kali dư thừa khiến cho thành phần này tồn tại quá nhiều trong máu gọi là tăng kali máu. Tình trạng này có thể gây đau tim hoặc dẫn đến tử vong. Triệu chứng phổ biến nhất của tăng kali máu là: cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt, đau bụng, buồn nôn, đau cơ hoặc chuột rút, khó thở, nhịp tim bất thường, đau ngực…
Gây tích nước trong cơ thể
Thận khỏe mạnh sẽ loại bỏ chất lỏng dư thừa trong máu, tránh nguy cơ tích tụ gây ra các vấn đề ở tim và phổi, huyết áp cao… Biểu hiện của tình trạng này là tim đập nhanh hơn, bàn chân bị sưng tấy. Khi bị tích tụ nước trong cơ thể, người bệnh thường được khuyên hạn chế uống nước, thực hiện chế độ ăn ít muối…
5 cách phòng ngừa bệnh suy thận hiệu quả nhất
Suy thận là một trong những bệnh lý nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể giảm nguy cơ bị suy thận theo những lời khuyên dưới đây:
Ảnh minh họa
Thận trọng khi dùng thuốc không kê đơn
Bởi dùng liều quá cao (ngay cả những loại thuốc thông thường như aspirin, ibuprofen và naproxen) cũng có thể tạo ra lượng độc tố cao trong một khoảng thời gian ngắn, khiến cho thận bị quá tải.
Duy trì cân nặng hợp lý
Tình trạng béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh có liên quan đến bệnh thận, chẳng hạn như tiểu đường và huyết áp cao.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Không ăn quá mặn, không ăn nhiều đường và thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả. Uống đủ nước, hạn chế bia rượu, nói không với thuốc lá...
Tập thể dục thường xuyên
Các môn thể thao có thể giúp giảm căng thẳng, kiểm soát bệnh tiểu đường và huyết áp cao, đồng thời duy trì cân nặng hợp lý. Người bệnh nên chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình như bơi lội, đi bộ và chạy…
Quản lý các bệnh khác một cách hiệu quả
Bệnh tiểu đường và cao huyết áp làm tăng nguy cơ bệnh. Vì thế, nên theo dõi bệnh chặt chẽ, tuân thủ phác đồ điều trị…
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng co rút các cơ toàn thân, đặc biệt vùng bắp chân, huyết áp tăng.
Nguồn: [Link nguồn]