Người đàn ông nhập viện cấp cứu vì món 'khoái khẩu' nhiều người Việt hay ăn
Sau ăn tiết canh, người bệnh mệt mỏi, xuất hiện mảng bầm tím vùng đùi trái và nhiều mảng bầm tím ở vùng ngực.
Ngày 26/6, thông tin từ Trung tâm Y tế Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết, vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.
Theo lời kể người nhà, trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn, uống rượu nhiều ngày. Sau ăn, người bệnh mệt mỏi, xuất hiện mảng bầm tím vùng đùi trái và nhiều mảng bầm tím ở vùng ngực nên được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế Thanh Sơn cấp cứu.
Tại đây, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn - rối loạn chuyển hóa lipid - xơ gan/lạm dụng rượu.
May mắn sau 5 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh đã dần ổn định.
Các chuyên gia khuyến cáo, ăn tiết canh gia súc, gia cầm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa
BS.CKI Mai Giang Nam, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc, Trung tâm Y tế Thanh Sơn cho biết, liên cầu khuẩn lợn là tác nhân gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn. Tuy nhiên vi khuẩn có thể cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh.
Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn (lợn lành, hoặc lợn bị bệnh) thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ. Thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ, cho đến 2-3 ngày (tuy nhiên có trường hợp ủ bệnh có thể đến vài tuần).
Nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn mặc dù được điều trị, tỷ lệ tử vong chung cho các thể bệnh là 17%. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong rất cao lên đến 60 - 80%.
Hiểm họa khôn lường khi ăn tiết canh
Thời gian qua, mặc dù đã được các chuyên gia y tế cảnh báo về hiểm họa đối với sức khỏe khi ăn tiết canh gia súc, gia cầm, tuy nhiên, tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế vẫn tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân phải đến cấp cứu, thậm chí tử vong sau khi ăn các loại tiết canh như lợn, gan, vịt, dê…
Nhiều chuyên gia đã từng nhận định, quan niệm ăn tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao hoặc "bổ máu" là một sai lầm. Ngược lại, trong tiết canh lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tiết canh là món ăn được chế biến từ máu sống nên không thể tiêu diệt hết vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt, dê... đang nhiễm bệnh. Vì vậy, vi khuẩn từ tiết canh khi vào cơ thể hoàn toàn có thể gây bệnh cho con người.
Căn bệnh đầu tiên dễ mắc nhất khi ăn tiết canh là nhiễm ký sinh trùng như sán dây, sán não, giun sán... Theo đó, trứng giun sán vào trong cơ thể phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sán lợn có khả năng xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa, cư trú ở tất cả các hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoành, nổi những hạt li ti trên da như con lợn gạo. Ấu trùng sán chui lên não làm tổ, khiến người bệnh có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, có thể có các cơn co giật kiểu động kinh.
Bên cạnh đó, người ăn tiết canh còn có nguy cơ mắc liên cầu khuẩn lợn. Bệnh này lây truyền trực tiếp sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo...) hoặc tiếp xúc từ các tổn thương trên da trong quá trình giết mổ lợn bệnh.
Một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn dẫn đến viêm màng não, hoại tử da, suy đa tạng... biểu hiện như sốt cao, co giật, sợ ánh sáng... Người bệnh bị nhiễm độc tố nặng có thể dẫn tới sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Ngoài ra, ăn tiết canh còn dẫn đến nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp, dẫn đến tiêu chảy cấp do ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu. Đặc biệt trong những năm gần đây, bùng phát nhiều dịch bệnh từ cúm gia cầm, nếu ăn tiết canh vào sẽ rất nguy hiểm.
Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, người dân chỉ ăn các món ăn từ gia súc, gia cầm đã được nấu chín. Tuyệt đối không thịt gia súc, gia cầm chết. Không ăn các món ăn tái sống như gỏi, nem chua, nem chạo, đặc biệt là tiết canh.
Bên cạnh đó, cần sử dụng các phương tiện phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt. Khi có vết thương hở không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt tươi sống. Vệ sinh các đồ dùng giết mổ, chế biến hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng...
Trong trường hợp đã ăn tiết canh hoặc các món tái cần chú ý, khi thấy dấu hiệu của cơ thể như: Sốt nóng, sốt lạnh, tiêu chảy, đau đầu, ù tai, cứng gáy, tri giác lơ mơ, hoại tử trên da... cần đến ngay bệnh viện gần nhất để xét nghiệm và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Nguồn: [Link nguồn]
Đáng buồn là ca tử vong nghi ngộ độc sau bữa cỗ có tiết canh dê vừa xảy ra ở Thái Bình không phải là hi hữu, thực tế đã có một số trường hợp tương tự. Nguyên nhân nào khiến không ít người dân thờ ơ với sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình khi vẫn coi tiết canh là món khoái khẩu?