Người đàn ông nhập viện cấp cứu sau khi nhổ răng

Sự kiện: Sống khỏe
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sau khi nhổ răng tại phòng khám tư, bệnh nhân bị hoa mắt, chóng mặt, run chân tay nên được đưa đi cấp cứu.

Ngày 29/7, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, mới đây, Khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân ngộ độc thuốc tê sau khi nhổ răng.

Theo đó, bệnh nhân nam, 66 tuổi được đưa vào viện trong tình trạng xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, run chân tay sau khi nhổ răng.

Được biết, trước đó, bệnh nhân có đi nhổ răng ở phòng khám tư, trong quá trình nhổ, bệnh nhân được sử dụng 2 ống Lidocain 2% tê tại chỗ; các dấu hiệu sinh tồn và các chỉ số xét nghiệm cơ bản đều trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi ngộ độc thuốc tê Lidocain sau nhổ răng.

Bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê sau khi nhổ răng. Ảnh BVCC

Bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê sau khi nhổ răng. Ảnh BVCC

Ngay lập tức, bệnh nhân được truyền tĩnh mạch nhũ tương lipid 20%, theo dõi sát tình trạng ý thức và huyết động. Sau khi dùng thuốc 15 phút, các triệu chứng lâm sàng khiến bệnh nhân khó chịu đã hết hoàn toàn.

Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Dị ứng của bệnh viện để tiếp tục theo dõi và điều trị. May mắn bệnh nhân được cấp cứu đúng cách và kịp thời nên tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Thận trọng với ngộ độc thuốc tê

Theo các bác sĩ, ngày nay, việc sử dụng thuốc tê rất phổ biến, từ các thủ thuật thực hiện tại các cơ sở y tế bên ngoài bệnh viện như: nhổ răng, tiểu phẫu vết thương đến các thủ thuật, tiểu phẫu thuật thực hiện tại bệnh viện như: đặt catheter, chọc ống sống thắt lưng, phẫu thuật tạo hình-thẩm mĩ…

Tuy nhiên, trong bối cảnh việc thực hiện kĩ thuật gây tê trước khi làm các thủ thuật này có xu hướng được thực hiện bởi các bác sĩ không thuộc chuyên ngành gây mê - hồi sức, tình trạng ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra và gây ra hậu quả nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nếu không được xử trí kịp thời.

BSCKI Lê Đức Duẩn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tình trạng ngộ độc thuốc tê luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (ngộ độc thuốc tê, phản vệ với thuốc tê, hội chứng sợ hãi).

Việc chẩn đoán phân biệt các giả thuyết trên thường dựa vào các triệu chứng đi kèm như: bệnh nhân hoảng sợ, lo lắng quá mức trước khi làm thủ thuật (hội chứng sợ hãi); bệnh nhân khó thở, thở rít, nổi ban mề đay, ngứa, buồn nôn, đau bụng (phản vệ với thuốc); còn lại là tình trạng ngộ độc.

Theo BS Duẩn, trong 3 giả thuyết trên thì ngộ độc lại hay xảy ra nhất, trong khi đó phản vệ lại hiếm gặp nhất. "Khi gặp phải tình huống lâm sàng như trên, chúng ta nên xử trí theo hướng ngộ độc thuốc kết hợp với các biện pháp hồi sức cấp cứu cơ bản, khả năng cao sẽ cứu sống được bệnh nhân", BS Duẩn thông tin.

Các bác sĩ cho biết, ngộ độc thuốc tê nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Vì vậy, việc hiểu biết về những dấu hiệu nhận biết sớm và những biện pháp cấp cứu kịp thời bệnh nhân ngộ độc thuốc tê là rất quan trọng, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong.

Những đối tượng có nguy cơ cao ngộ độc thuốc tê là trẻ em dưới 6 tháng tuổi; bệnh nhân thể trạng nhỏ; tuổi cao, suy yếu; bệnh nhân suy tim, thiếu máu cơ tim; bệnh gan…

Nhận biết bệnh nhân ngộ độc thuốc tê

Hội Gây tê vùng và giảm đau Hoa Kỳ khuyến cáo, những thay đổi về thần kinh hoặc tim mạch của bệnh nhân khi đang sử dụng thuốc tê, dù liều nhỏ, gây tê theo phương pháp gì, cần nghĩ tới ngộ độc thuốc tê trước và xử trí theo phác đồ.

Chẳng hạn, với hệ thần kinh trung ương, người bệnh có các triệu chứng kích thích (bồn chồn, lo lắng, kêu la, giật cơ, co giật; ức chế (ngủ gà, hôn mê hoặc ngừng thở); không đặc hiệu (miệng có vị kim loại, tê quanh miệng, nhìn đôi, ù tai, chóng mặt)

Bên cạnh đó, với hệ tim mạch, giai đoạn đầu có thể có tăng huyết áp, mạch nhanh, loạn nhịp thất. Sau đó, bệnh nhân bị tụt huyết áp tiến triển; block dẫn truyền, nhịp tim chậm, vô tâm thu; loạn nhịp thất (nhanh thất, rung thất, xoắn đỉnh, vô tâm thu)

Với các trường hợp nghi ngộ độc thuốc tê, cần theo dõi bệnh nhân trong quá trình tiêm và sau khi tiêm. Các triệu chứng ngộ độc trên lâm sàng có thể xuất hiện chậm sau 30 phút hoặc muộn hơn. Cần giao tiếp thường xuyên với bệnh nhân để phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc.

Đồng thời, người bệnh cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng ngộ độc thuốc tê để khi xảy ra có thể đến các cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng xấu gây hại cho sức khỏe.

Người tham gia BHYT"đi nhổ răng khôn tại bệnh viện có đăng ký BHYT thì BHYT có chi trả không ? Nếu có thì BHYT sẽ chi trả bao nhiêu %"? Có thể chuyển BHYT từ phòng khám lên thẳng bệnh viện tuyến trung ương để nhổ răng không?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Mai ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN