Người đàn ông nguy kịch vì vết xước ngoài da, cảnh báo mối nguy hiểm từ những vết thương dù là rất nhỏ

Sự kiện: Sống khỏe

Theo các bác sĩ, nhiều trường hợp bị vết thương nhỏ như gai đâm, xước da, vết bỏng…nhưng chủ quan không điều trị, không tiêm phòng uốn ván dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Nguy kịch vì mắc uốn ván

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng vừa điều trị thành công, cứu sống bệnh nhân bị uốn ván nặng kèm theo thuyên tắc phổi. Cụ thể, bệnh nhân là M.V.M (52 tuổi, ngụ tại Phường Khánh Hòa, Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Trước khi nhập viện, bệnh nhân bị vết xước ngoài da do tai nạn giao thông, sau đó 2 tuần, ông bất ngờ bị cứng hàm nên được người nhà đưa đi cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân có diễn biến xấu, co giật, ngưng tim, ngưng thở nên lập tức được đặt nội khí quản, mở khí quản cấp cứu; đồng thời tiếp tục dùng thuốc giãn cơ, an thần, thở máy và kiểm soát được tình hình nguy hiểm.

Sau 12 ngày thở máy với áp lực và nồng độ oxy cao, tim nhanh, bệnh nhân được khám tim mạch và đề nghị chụp CT Scan ngực; kết quả cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch phổi 2 bên.

Bệnh nhân mắc uốn ván nặng được cứu sống tại Bệnh viện Đa khó Sóc Trăng. Ảnh BVCC

Bệnh nhân mắc uốn ván nặng được cứu sống tại Bệnh viện Đa khó Sóc Trăng. Ảnh BVCC

Trước tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn viện để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Sau khi hội chẩn, Bệnh viện đã quyết định dùng thuốc ly giải huyết khối (tiêu sợi huyết) truyền cho bệnh nhân và tiếp tục theo dõi. Bệnh tiếp tục diễn biến xấu nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các bác sĩ.

Sau quá trình cấp cứu và điều trị tích cực, đến ngày 21/3, bệnh nhân ngưng thở máy. Hiện tại, bệnh nhân tự thở, sinh hiệu ổn, tự ăn, tập vận động và dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.

BSCKII. Đặng Minh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng cho biết, đây là trường hợp mắc uốn ván nặng nhất từ trước đến nay được cấp cứu tại bệnh viện. Rất may nhờ chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, bệnh nhân đã được cứu sống một cách ngoạn mục.

Theo các bác sĩ, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và gặp ở nhiều thời điểm trong năm.

Trên thực tế, không chỉ bệnh nhân trên, rất nhiều người mắc uốn ván chỉ vì một vết thương nhỏ trên da. Mới đây nhất, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc uốn ván. Trước đó, năm 2023, số ca mắc uốn ván trên địa bàn thành phố là 25 ca, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Thận trọng với những vết thương ngoài da

Các bác sĩ cho biết, uốn ván là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào. Các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, đinh dâm, xước da hoặc các vết thương do tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng sâu…

Nếu để vết thương hở tiếp xúc với đất, bụi bẩn, phân gia súc, gia cầm, người bệnh sẽ phải đối mặt với rủi ro bị uốn ván rất cao. Ngoài ra, việc sử dụng các dụng cụ phẫu thuật không bảo đảm tiêu chuẩn tiệt trùng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm trùng, tạo điều kiện để trực khuẩn uốn ván phát triển.

Các bác sĩ khuyến cáo, không nên chủ quan với các vết thương, dù là rất nhỏ, tránh nguy cơ mắc uốn ván. Ảnh minh họa

Các bác sĩ khuyến cáo, không nên chủ quan với các vết thương, dù là rất nhỏ, tránh nguy cơ mắc uốn ván. Ảnh minh họa

Theo BS Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, uốn ván khởi phát sau chấn thương, trung bình là 7 ngày; 15% số trường hợp khởi phát bệnh trong vòng 3 ngày và 10% khởi phát bệnh sau 14 ngày.

Các triệu chứng của bệnh uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau. Trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân mình như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Việc co cơ mạnh, đột ngột, kéo dài gây đau cơ, có thể rách cả cơ và gãy xương. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát.

Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương, gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy thận…

Đáng chú ý, nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như xước da, gai đâm… Tuy nhiên, do chủ quan, nhiều người không chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vaccine uốn ván khi bị thương hay có vết thương hở, mà tự xử lý vết thương qua loa tại nhà hoặc đắp các loại thuốc lá theo kinh nghiệm dân gian. Hậu quả khiến vết thương càng lở loét hơn và trực khuẩn uốn ván có cơ hội xâm nhập. Nhiều trường hợp đến viện khi tình trạng đã nặng.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi mới có vết thương dù là vết thương nhỏ, cần dùng nước sạch rửa ngay hoặc rửa dưới vòi nước để pha loãng vi khuẩn và đẩy chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương ra máu và dính nhiều bùn, đất, cát, có thể dùng ôxy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn ra và cầm máu.

Nếu phát hiện có dị vật nằm trong vết thương, nếu đơn giản thì rửa tay sạch rồi lấy ra; sau đó, có thể băng lại bằng gạc y tế và cần theo dõi, thay băng mỗi ngày. Nếu dị vật to hoặc nằm sâu thì cần đến cơ sở y tế. Đồng thời tiêm uốn ván để tránh mắc bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, biện pháp phòng bệnh uốn ván hiệu quả nhất hiện vẫn là vaccine. Nhờ có vaccine uốn ván mà tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này giảm đi đáng kể.

Nếu không tiêm phòng, khi mắc bệnh, việc điều trị uốn ván thường kéo dài, thậm chí, không thể điều trị khỏi hoàn toàn các biến chứng do bệnh để lại mà sẽ mang theo di chứng đến suốt đời.

Những trường hợp cần tiêm phòng uốn ván:

- Phụ nữ có thai: Tiêm phòng uốn ván cho những phụ nữ có thai để bảo vệ cho cả mẹ lẫn trẻ sơ sinh. Vaccine này có tác dụng phòng ngừa tới 10-15 năm.

- Nông dân, người làm việc trong các trang trại: Đây là những đối tượng dễ bị uốn ván do phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường đồng ruộng, bùn đất, phân gia súc, gia cầm, dị vật... có nhiều vi khuẩn trú ngụ.

- Công nhân xây dựng: Đây là những người thường xuyên phải tiếp xúc với kim loại, bê tông, sắt thép. Nguy cơ cao bị thương do các vật nhọn đâm gây bệnh uốn ván.

Nguồn: [Link nguồn]

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn vừa có thêm một bệnh nhân mắc uốn ván, nâng số mắc từ đầu năm 2023 đến nay là 25 trường hợp, trong đó 3 người đã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Mai ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN