Người đàn ông ngừng tim, phổi sau khi uống rượu chứa methanol
Đây là một trong số ít các bệnh nhân ngộ độc methanol cấp tính, ngừng tuần hoàn đã được điều trị thành công, không để lại di chứng.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận nam bệnh nhân (61 tuổi, Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng ngừng tim, phổi. Người bệnh được hồi sinh tim phổi, đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau khi tim đập trở lại, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực.
Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân hôn mê, thở máy, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao, da nổi vân đá toàn thân, bụng mềm, gan to 4cm.
Theo lời kể của con trai bệnh nhân, người đàn ông này thường xuyên uống rượu và gia đình không thể kiểm soát.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.
Sau khi thực hiện khám xét lâm sàng và xét nghiệm, các bác sĩ nghĩ đến khả năng ngừng tuần hoàn, toan chuyển hóa do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) sau uống rượu.
Bệnh nhân đã được thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải và định lượng độc chất.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp, mức độ nặng (nồng độ methanol 78,13 mg/dl). Ngay sau khi có kết quả định lượng nồng độ methanol trong máu, bệnh nhân được bổ sung rượu ethanol 20% theo quy trình điều trị bệnh nhân ngộ độc methanol cấp.
Sau 2 ngày, nam bệnh nhân diễn biến ổn định, được rút ống nội khí quản, cắt các thuốc vận mạch, chức năng các tạng hồi phục dần. Một tuần sau, người đàn ông này đã qua cơn nguy kịch.
Đây là một trong số ít các bệnh nhân ngộ độc methanol cấp tính, ngừng tuần hoàn đã được điều trị thành công, không để lại di chứng.
Để phòng tránh ngộ độc rượu, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol từ 0,1% trở lên, tuy nhiên bình thường rất khó phân biệt rượu nào an toàn. Do đó, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì; không uống khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo dân gian.
Một người bình thường không nên uống quá một đơn vị rượu mỗi ngày (một đơn vị rượu chứa 10 g cồn), tương đương 30 ml rượu mạnh (40-43 độ) hoặc 100 ml rượu vang (13,5 độ); 330 ml bia hơi (5 độ); 2/3 chai 500 ml hoặc lon bia 330 ml (5 độ).
Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia. Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Nguồn: [Link nguồn]
Bệnh nhi có cơn kích thích vật vã, co giật toàn thân được chẩn đoán ngộ độc rượu sau khi uống hết bát rượu khoảng 200 ml vì nhầm tưởng đó là nước lọc.