Người đàn ông đột nhiên méo miệng sau khi ngủ dậy do nhiễm loại virus này
Herpes zoster hay còn được gọi là zona thần kinh là bệnh xảy ra quanh năm và đối tượng nào cũng có thể nhiễm bệnh.
Tiêu Chu (28 tuổi) là một lập trình viên của một công ty công nghệ ở Trung Quốc. Với tính chất công việc bận rộn, anh chỉ ngủ 4 tiếng 1 ngày, bỗng 1 đêm, anh đột nhiên thấy đau tai trái dữ dội, tưởng do viêm tai giữa nên uống thuốc chống viêm và không quan tâm nhiều đến nó. Không ngờ, ngày hôm sau khi tỉnh dậy anh nhìn vào gương thì phát hiện miệng mình méo mó, mắt xếch, nước bọt không ngừng chảy ra. Tiêu Chu kinh hãi lập tức đến bệnh viện.
Kết quả kiểm tra của bác sĩ cho thấy, vành tai trái của anh bị mụn rộp bao phủ, ống tai sưng tấy và thính lực giảm đi đáng kể. Họ xác định đây là bệnh herpes zoster (zona thần kinh) ở tai và sau 1 tuần điều trị, Tiêu Chu đã bình phục và được xuất viện.
Về bệnh herpes zoster
Herpes zoster là bệnh herpes da phổ biến ảnh hưởng đến hệ thần kinh và da do nhiễm virus có tên là varicella zoster. Bệnh này có thể xảy đến với mọi đối tượng, xảy ra quanh năm, đặc biệt tập trung vào mùa đông và mùa xuân. Mặc dù các triệu chứng của nó xuất hiện trên da nhưng thực chất đây là một căn bệnh liên quan đến hệ thần kinh.
Có hơn 90% người trưởng thành mang trong mình virus này. Khi nhiễm lần đầu, 70% có thể sẽ bị thủy đậu, trong khi 30% còn lại không phát triển các triệu chứng bệnh rõ ràng. Virus này lây lan dọc theo dây thần kinh cảm giác đến hạch cột sống hoặc hạch cảm giác dây thần kinh sọ - nơi nó sẽ nằm im suốt đời. Khi chức năng hệ thống miễn dịch của cơ thể suy giảm, virus tiềm ẩn có thể hoạt động trở lại, gây mụn rộp ở trên da, đặc biệt phổ biến ở ngực và lưng với tỉ lệ mắc cao lên tới 55%, tiếp theo là đoạn thắt lưng, đoạn cổ và vùng phân bổ của dây thần kinh sinh ba.
Herpes zoster là một trong những bệnh ngoài da gây đau đớn nhất, đối với một số bệnh nhân, nó còn đau đớn hơn cả khi sinh nở. Theo phương pháp phân loại số NRS (phương pháp phân loại chủ quan) về mức độ đau hiện được sử dụng phổ biến nhất trong cộng đồng y tế, khi nó tấn công, mức độ đau dây thần kinh gây ra có thể lên tới mười cấp độ đau.
Bản chất của cơn đau này khác nhau và có thể biểu hiện dưới dạng đau như dao đâm, đau như kim châm hoặc thậm chí là đau rát. Thời gian của cơn đau không cố định và cơn đau thường trầm trọng hơn trong khoảng thời gian từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng.
5 đối tượng dễ mắc herpes zoster
1. Người trung niên, người già trên 50 tuổi
Khi con người già đi, khả năng miễn dịch với virus varicella zoster dần yếu đi, đặc biệt là với những người trên 50 tuổi. Ngoài ra, phụ nữ có nhiều khả năng phát triển bệnh zona hơn nam giới.
2. Người mắc các bệnh về hệ miễn dịch
Những người có hệ miễn dịch bị tổn thương, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư, bệnh nhân lupus, bệnh nhân nhiễm HIV… có nhiều khả năng phát triển bệnh herpes zoster hơn.
3. Người mắc các bệnh mãn tính
Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc zona cao hơn 84% so với người bình thường. Các bệnh mãn tính khác như COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), bệnh tim mạch, bệnh thận mãn tính, hen suyễn… cũng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh zona.
4. Người thể chất yếu
Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh herpes zoster ngày càng tăng qua từng năm và ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người trẻ có thói quen sinh hoạt không tốt như thức khuya lâu, ăn uống không điều độ, ít vận động trong thời gian dài dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch và dễ bị nhiễm trùng.
5. Người thường xuyên dùng hormone
Việc sử dụng thường xuyên hormone sẽ làm giảm khả năng miễn dịch và việc phụ thuộc quá nhiều vào hormone thậm chí có thể dẫn đến suy giảm hệ thống miễn dịch.
Những cách phòng bệnh herpes zoster
1. Tiêm phòng
Tiêm vắc-xin được coi là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh zona. Theo số liệu, trong vòng 3 năm sau khi tiêm chủng, hiệu quả bảo vệ của vắc xin đạt tới 96,6% đối với người lớn từ 50 đến 59 tuổi. Vì vậy, đặc biệt đối với những người trên 50 tuổi đã từng mắc bệnh zona từ hai đợt trở lên, tiêm phòng là biện pháp then chốt để tránh những cơn đau không đáng có.
2.Tập luyện phù hợp
Tập thể dục với cường độ vừa phải, chẳng hạn như chạy bộ, đạp xe, yoga, v.v., 5 lần/tuần, mỗi lần 30-45 phút, có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
3. Tránh nhiễm trùng và chấn thương
Nhiễm trùng là nguyên nhân tiềm ẩn gây bùng phát bệnh zona. Người trung niên và người cao tuổi nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc các bệnh khác nhau. Ngoài ra, chấn thương dễ làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể nên người trung niên và người cao tuổi nên tránh bị thương và tránh tiếp xúc với hóa chất, chất độc hại.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nổi mụn nước đau rát vùng trán và mắt phải sưng nề, kết mạc đỏ…
Nguồn: [Link nguồn]