Người đàn ông có bạn tình cả 2 giới, bị lở loét vùng kín

Trước thời điểm xuất hiện tổn thương sinh dục, bị lở loét vùng kín, nam bệnh nhân có tiền sử quan hệ tình dục với đối tượng nguy cơ cao, trong đó có bạn tình ở cả hai giới nam và nữ.

Bệnh nhân nam, 44 tuổi, khởi phát bệnh trước khi đi khám bệnh 2 tuần với biểu hiện sẩn đỏ vùng dương vật. Sau đó, tổn thương tiến triển thành vết loét dần lan rộng. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội).

Bệnh nhân được làm xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giang mai. Ảnh minh hoạ

Bệnh nhân được làm xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giang mai. Ảnh minh hoạ

Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, thăm khám cho thấy bệnh nhân có tổn thương loét rộng vùng quy đầu dương vật, bờ vết loét nham nhở, nền vết loét cứng, ngứa ít. Ngoài ra, bệnh nhân có tổn thương sẩn sùi ở hậu môn. Một số sẩn cục rải rác hai cẳng chân, mông, ngứa nhiều đã có nhiều tháng trước đây.

Trước thời điểm xuất hiện tổn thương sinh dục 4 tháng, bệnh nhân có tiền sử quan hệ tình dục với đối tượng nguy cơ cao. Đặc biệt, bệnh nhân có bạn tình ở cả hai giới nam và nữ. Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Kết quả cho thấy bệnh nhân bị giang mai sơ phát. Ngoài ra, xét nghiệm HIV của bệnh nhân cũng cho kết quả dương tính. Bệnh nhân được điều trị giang mai tại Bệnh viện Da liễu Trung ương và gửi khám chuyên khoa truyền nhiễm để điều trị HIV.

Các bác sĩ cũng tư vấn cho bệnh nhân hiểu về nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình và khuyên bệnh nhân thuyết phục các bạn tình của mình làm xét nghiệm kiểm tra sàng lọc bệnh giang mai và HIV.

Bác sĩ Vinh cho biết giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai gây nên. Tỉ lệ mắc giang mai trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng ngày càng tăng. Tình trạng này có liên quan đến sự gia tăng quần thể quan hệ tình dục đồng giới và xu hướng quan hệ sớm, không an toàn ở thanh thiếu niên. Bệnh nhân mắc giang mai có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, trong đó có HIV. Đặc biệt, tỉ lệ này cao hơn ở quần thể người có quan hệ đồng giới.

Bệnh giang mai có biểu hiện đa dạng, phức tạp, không chỉ ở da, niêm mạc mà còn có thể ở các cơ quan khác như tai, mắt, cơ xương khớp, tim mạch, thần kinh. Các triệu chứng có thể tiến triển, thay đổi trên cùng một bệnh nhân, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, giang mai còn được mệnh danh là "kẻ trá hình hoàn hảo".

Ngoài ra, có những trường hợp giang mai "kín", bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện lâm sàng gì cho đến khi được làm xét nghiệm kiểm tra. Vì vậy, những người có tiền sử tiếp xúc, quan hệ tình dục không an toàn hoặc có những biểu hiện nghi ngờ bệnh lây truyền qua đường tình dục nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

7 cách giúp bạn có đời sống tình dục thăng hoa

Theo thời gian, cơ thể trở nên kém sung sức, khả năng tình dục không còn như trước. Tuy nhiên, một số cách có thể tạo nên trải nghiệm tình dục phong phú, để các cặp đôi vẫn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Dung ([Tên nguồn])
Sức khỏe tình dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN