Người đàn ông 57 tuổi sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng vì loại vi khuẩn dễ gặp khi chế biến thực phẩm này

Sự kiện: Liên cầu lợn
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

3 tiếng sau khi mổ lợn, bệnh nhân bị sốt nhẹ, huyết áp tăng sau đó lại tụt, đau bụng, nôn nhiều nên được đưa đi cấp cứu.

Ngày 20/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, vừa qua, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nam (57 tuổi) được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái chuyển đến với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn.

Theo lời kể của người nhà, hàng ngày, bệnh nhân thực hiện công việc giết mổ lợn để bán. Tuy nhiên, hôm xảy ra sự việc, khoảng sau 3 tiếng sau khi mổ lợn, bệnh nhân bị sốt nhẹ, huyết áp tăng sau đó lại tụt, đau bụng, nôn nhiều… Vài tiếng sau, toàn thân bệnh nhân bị phát ban. Vì vậy, gia đình đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Bệnh nhân bị suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu, xuất huyết hoại tử do mắc liên cầu lợn. Ảnh BVCC

Bệnh nhân bị suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu, xuất huyết hoại tử do mắc liên cầu lợn. Ảnh BVCC

ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhà, sau đó, chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. 

Tại đây, bệnh nhân xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp nên được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch.

Khi vào viện, bệnh nhân có phù toàn thân, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân, mặt, suy đa cơ phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu… Bệnh nhân được chẩn đoán: sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn được chỉ định lọc máu liên tục và thực hiện các can thiệp thủ thuật khác.

"Gần đây Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn được chuyển đến. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ những đầu ngón tay hoặc ngón chân bị hoại tử", BS Phúc chia sẻ.

Thận trọng với bệnh liên cầu lợn

Theo BS Phúc, bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên. Nhiễm liên cầu lợn ít gặp ở người. Tuy nhiên, người có thể lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh.

Liên cầu lợn có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn hoặc tiết canh lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.

Liên cầu lợn được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi họng, ở đường tiêu hoá và sinh dục của lợn.

Trên người, biểu cảnh thường gặp nhất là viêm màng não mủ (96%) với các biểu hiện thường gặp như: sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc tai.

Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng hội chứng sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoạt tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Bên cạnh đó, sử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn.

Cách ngày vào viện một ngày, bệnh nhân có xuất hiện sốt, kèm theo đau lưng, nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Mai ([Tên nguồn])
Liên cầu lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN