Người đàn ông 42 tuổi bị ung thư gan do mắc sai lầm này, ai có dấu hiệu bệnh này cần được khám càng sớm càng tốt
Bệnh nhân có tiền sử viêm gan B nhưng không điều trị, từng phát hiện mắc đái tháo đường cách đây 5 năm, đang điều trị Insulin và uống rượu thường xuyên, khoảng 100ml/ngày.
Ngày 23/10, VNN đưa tin, tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ đã tiếp nhận bệnh nhân N. V.Đ.(42 tuổi) vào viện khám vì đau hạ sườn phải.
Theo bệnh nhân, khoảng một tháng nay, anh xuất hiện đau bụng vùng thượng vị âm ỉ. Ngoài ra, bệnh nhân thường xuyên bị mất ngủ, gầy sút 6kg trong 2 tháng, rối loạn đại tiện.
Bệnh nhân vào bệnh viện tỉnh, nội soi dạ dày hình ảnh sùi loét hành tá tràng, siêu âm ổ bụng: hình ảnh khối u gan theo dõi tổn thương thứ phát. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.
Ảnh minh họa
Được biết, bệnh nhân có tiền sử viêm gan B nhưng không điều trị, từng phát hiện mắc đái tháo đường cách đây 5 năm, đang điều trị Insulin, uống rượu thường xuyên, khoảng 100ml/ngày.
Điều đặc biệt, bệnh nhân có anh trai, em trai của mẹ đều bị ung thư gan đã mất. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Đ. được chẩn đoán ung thư gan nguyên phát.
Theo các chuyên gia y tế, ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào gan bất thường về hình thái lẫn chức năng hoạt động. Ung thư gan được xác định là nguyên phát khi tế bào ung thư phát triển từ gan, hình thành khối u ác tính. Nếu nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ cơ quan khác, di căn tới gan, người bệnh sẽ được xác định là ung thư gan thứ phát.
Ở giai đoạn muộn nhất của ung thư gan nguyên phát, các tế bào ung thư sẽ xâm lấn và di căn từ gan sang các bộ phận khác trong cơ thể.
Sai lầm khiến bệnh nhân bị ung thư gan mất cơ hội được chữa khỏi
Ảnh minh họa
Theo PGS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ca bệnh trên là ca bệnh ung thư trên người trẻ. Bệnh nhân dù phát hiện viêm gan B trước đó nhiều năm và tiền sử gia đình có người thân bị ung thư gan nhưng chủ quan không đi khám chuyên khoa để được tư vấn, điều trị và theo dõi. Chính vì lý do này, tại thời điểm chẩn đoán, bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, anh mất cơ hội được chữa khỏi.
Trong các yếu tố bệnh sinh của ung thư gan hiện nay, viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu, đặc biệt ở các nước Đông Á. Ở Việt Nam, tỷ lệ viêm gan B chiếm 8-10% dân số và chiếm 90% trong số các bệnh nhân ung thư gan.
Để phát hiện ung thư gan sớm, người bệnh cần chú ý các dấu hiệu sau: Vàng da, vàng mắt, cảm giác đau tức vùng gan, có thể sờ thấy khối u vùng hạ sườn, các dấu hiệu về tiêu hoá như biểu hiện như chán ăn, ăn không tiêu, chướng bụng, sụt cân bất thường, cơ thể mệt mỏi, ngứa ngoài da
Ai có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan?
Nguyên nhân gây bệnh ung thư gan đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Nhiễm HBV hoặc HCV mạn tính: Nhiễm virus viêm gan B (HBV) hoặc virus viêm gan C (HCV) mạn tính;
- Xơ gan: Tình trạng xơ gan tiến triển và không thể phục hồi khiến mô sẹo hình thành trong gan;
- Một số bệnh gan di truyền: Các bệnh về gan có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan bao gồm bệnh ứ sắt (Hemochromatosis) và bệnh Wilson (bệnh rối loạn chuyển hóa đồng).
- Bệnh đái tháo đường: Những người mắc chứng rối loạn đường huyết này có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn so với người không mắc bệnh.
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Sự tích tụ chất béo trong gan là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư gan.
- Tiếp xúc với aflatoxin: Aflatoxin là chất độc do nấm mốc sinh ra trên cây trồng được bảo quản kém. Cây trồng, chẳng hạn như ngũ cốc và các loại hạt, có thể bị nhiễm độc tố aflatoxin. Kết quả là, các loại thực phẩm làm từ chúng trở thành mầm bệnh nguy hiểm cho gan.
- Uống rượu quá mức: Tiêu thụ nhiều hơn lượng rượu được cho phép trong nhiều năm có thể dẫn đến tổn thương gan không thể phục hồi, làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Người bị ung thư gan nên và không nên ăn gì?
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư gan. Một số lưu ý như sau:
Tránh xa thực phẩm chế biến sẵn
Gan chịu trách nhiệm giải độc, thực phẩm chế biến sẵn lại chứa nhiều phụ gia và hóa chất. Thế nên, người bệnh nên tránh các loại thực phẩm này. Chưa hết, thực phẩm đã qua chế biến kỹ, chẳng hạn như thịt xông khói, xúc xích, giăm bông… cũng cần được loại khỏi thực đơn của bệnh nhân.
Nên chia nhỏ bữa ăn
Người bệnh nên ăn 6 – 8 bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn/ngày. Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp lượng thức ăn nạp vào cơ thể mỗi bữa ít hơn, giúp cơ thể dễ hấp thụ hơn.
Ăn nhiều đồ luộc, hấp
Người mắc bệnh về gan cần lưu ý cách chế biến thực phẩm. nên tăng cường các món luộc, hấp sẽ tốt cho sức khỏe hơn nhiều sơ với các món nướng, chiên rán ở nhiệt độ cao.
Nói không với rượu bia
Lá gan của bạn đã chịu không ít thương tổn. Chắc chắn, bạn không muốn làm nó tổn thương thêm nữa. Muốn vậy, hãy tránh xa rượu bia – tác nhân hàng đầu gây tổn thương lá gan của bạn.
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh gan
Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác.
Theo khuyến cáo của ThS.BS Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị yêu cầu, Bệnh viện K, cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là:
- Khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,….
- Tiêm đầy đủ vacxin phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Khi nghi ngờ mắc ung thư gan cần được thăm khám sớm. các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, thăm chụp cắt lớp, sinh thiết gan… để đưa ra kết luận chính xác.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà nghiên cứu Mỹ cảnh báo một nhóm thức uống ít ai ngờ đến có khả năng làm tăng 85% nguy cơ ung thư gan.