Người đàn ông 40 tuổi đau đầu dữ dội, chảy máu ồ ạt sau 3 ngày mắc sốt xuất huyết
Đây là trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng nhất từ đầu mùa dịch (năm 2022) đến nay tại Bệnh viện E.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần vừa qua, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô tiếp tục diễn biến nóng. Nhiều ca bệnh được ghi nhận trên khắp các quận huyện.
Đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận hơn 3.900 ca sốt xuất huyết; tăng 1,8 lần so với trung bình 5 năm gần đây.
Tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão sẽ kéo dài trong tháng 10, 11, 12, do đó bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo. Đỉnh dịch có thể vào giữa tháng 10, tháng 11.
Th.BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, số ca nhập viện tại bệnh viện này tăng gấp 2 lần so với năm trước.
Chu kỳ sốt xuất huyết thường 5 năm sẽ bùng phát mạnh mẽ (năm 2017 dịch bùng phát, sau 5 năm là năm 2022). Vì vậy mùa dịch năm nay cũng là chu kỳ sốt xuất huyết quay lại đỉnh dịch.
Ảnh minh họa: Internet
Bệnh nhân nam 40 tuổi đang sinh sống tại Hà Nội. Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân bị sốt, đã uống thuốc. Tuy nhiên, khi cắt được sốt, đầu đau dữ dội không thể nào chịu được nên bệnh nhân phải vào viện thăm khám.
Tại bệnh viện, nam thanh niên được xét nghiệm, kết quả dương tính với sốt xuất huyết. Sau khi vào viện dù hết sốt nhưng buổi tối bất ngờ anh L. bị chảy máu ồ ạt ở mũi, không thể cầm máu bằng phương pháp thông thường. Các bác sĩ nhanh chóng phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng.
Bác sĩ Thanh cho biết, sau khi có triệu chứng 3-4 ngày bệnh nhân vào viện khi đó dù sốt giảm nhưng tiểu cầu tụt xuống còn 13. Bệnh nhân được truyền 1 đơn vị tiểu cầu nhưng số tiểu cầu trong máu không tăng lên mà tiếp tục giảm.
Bệnh nhân bất ngờ bị chảy máu mũi ồ ạt, không thể cầm máu được. Các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng phải nhét meche mũi cho bệnh nhân để cầm máu. Sau đó, tiểu cầu vẫn tiếp tục giảm. Trong 2 ngày phải truyền thêm 6 đơn vị tiểu cầu, bệnh nhân mới ổn định về chỉ số máu.
Hiện bệnh nhân vẫn chảy máu nhưng số lượng giảm hơn và có thể rút meche trong một hai ngày tới, không có gì thay đổi bệnh nhân có thể xuất viện vào đầu tuần tới.
Đây là trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng nhất từ đầu mùa dịch (năm 2022) đến nay. Rất may khi chảy máu ồ ạt, bệnh nhân đã có mặt ở viện nên việc xử lý được đảm bảo, nếu không nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tính mạng hoàn toàn có thể xảy ra.
Các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của sốt xuất huyết
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.
Người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
- Không ăn, uống được.
- Nôn nhiều.
- Đau bụng nhiều.
- Tay chân lạnh, ẩm.
- Mệt lả, bứt rứt.
- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
- Không tiểu trên 6 giờ.
- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
- Khó thở.
Tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão sẽ kéo dài trong tháng 10, 11, 12, do đó bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo. Đỉnh dịch có thể vào giữa...
Nguồn: [Link nguồn]