Người đàn ông 38 tuổi đột ngột bị xuất huyết não và liệt nửa người vì thói quen rất nhiều người mắc phải
Bệnh nhân 38 tuổi (Trung Quốc) cho biết sau bữa tối, khi đang đi dạo, anh đột nhiên cảm thấy yếu tay chân trái, đứng không vững, gia đình ngay lập tức gọi cấp cứu và đưa đến bệnh viện.
Các bác sĩ và y tá cấp cứu ngay lập tức đánh giá tình trạng, đo các chỉ số và thấy huyết áp ở mức 202/175mmHg, cao hơn bình thường đáng kể. Bác sĩ tiến hành chụp CT đầu và phát hiện ổ xuất huyết ở vùng hạch nền bên phải, được chẩn đoán là “xuất huyết não tự phát”.
Bệnh nhân chỉ mới 38 tuổi, đang trong độ tuổi sung sức nhưng bị “xuất huyết não tự phát”, bệnh này thường xảy ra ở người cao tuổi có bệnh lý nền như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, rất hiếm gặp ở người trẻ. Bác sĩ hỏi thì được biết, bệnh nhân có tiền sử gia đình tăng huyết áp và bị huyết áp cao đã 5 năm, tuy nhiên do cảm thấy còn trẻ, ngày thường không thấy khó chịu nên chưa từng điều trị. Gần đây, anh ấy thường xuyên thức khuya vì lý do công việc khiến huyết áp tăng mạnh gây xuất huyết não.
May mắn thay, vết thương xuất huyết não của bệnh nhân không lớn, sau một tuần nằm viện, ổ chảy máu dần dần lành lại, nhưng anh vẫn cần phải phục hồi thể chất lâu dài.
Tăng huyết áp có xu hướng ngày càng trẻ hóa
Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch thường gặp, có thể gây tổn thương các cơ quan quan trọng như tim, não, thận, mạch máu, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người.
Những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và sự thay đổi trong lối sống, tăng huyết áp không còn là bệnh lý dành riêng cho người trung niên và người cao tuổi mà ngày càng phổ biến ở người trẻ.
Những người trẻ tuổi mắc bệnh tăng huyết áp cao chủ yếu có một số thói quen sinh hoạt không tốt hoặc có tiền sử di truyền trong gia đình, ví dụ như lo lắng, căng thẳng, làm việc và nghỉ ngơi không đều đặn, béo phì, hút thuốc, uống rượu,…
Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tăng huyết áp
Đối với những người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, việc điều chỉnh lối sống và điều trị bằng thuốc là không thể thiếu. Điều chỉnh lối sống đòi hỏi phải kiên trì trong 10 năm để đạt được lợi ích lâu dài và giảm nguy cơ tổn thương cơ thể không thể phục hồi do tăng huyết áp gây ra.
Điều chỉnh lối sống
- Hạn chế lượng muối < 5g/ngày và tăng cường ăn các thực phẩm giàu kali như rau tươi, trái cây, các loại đậu…
- Cần có chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng dinh dưỡng, giảm tiêu thụ đồ chiên rán, đồ ăn nhanh.
- Bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya; kiểm soát cân nặng, kiểm soát chỉ số BMI ≤24Kg/m2, vòng eo: nam <90cm; nữ <85cm.
- Tập thể dục vừa phải, khuyến khích tập aerobic 5-7 lần một tuần, mỗi lần 30-60 phút.
- Giảm căng thẳng, duy trì sự cân bằng tinh thần.
Điều trị y tế
- Sau khi sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp, bạn phải theo dõi chặt chẽ huyết áp, chú ý đến phản ứng của thuốc và điều chỉnh liều lượng thuốc hạ huyết áp theo sự biến động của huyết áp.
- Sử dụng thuốc đều đặn, không được tự ý ngừng hoặc giảm thuốc chỉ vì huyết áp được kiểm soát trong mức bình thường.
- Việc thay đổi loại thuốc, liều lượng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ
- Chú ý theo dõi huyết áp tại nhà
Nguồn: [Link nguồn]
Làm việc quá sức, không nghỉ ngơi điều độ sẽ khiến chứng xuất huyết não dễ dàng xảy đến hơn.