Người đàn ông 32 tuổi tử vong do lây thủy đậu từ con trai
Trước khi vào viện điều trị 2 tuần, nam bệnh nhân có tiếp xúc với con trai mắc thủy đậu. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh lý nền.
Theo PGS.TS.BS.Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trung tâm vừa cấp cứu nam bệnh nhân 32 tuổi với chẩn đoán mắc thuỷ đậu có biến chứng viêm phổi, suy gan.
Theo người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện điều trị 2 tuần, nam bệnh nhân có tiếp xúc với con trai mắc thủy đậu. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh lý nền.
(Ảnh minh họa).
Tiếp đó, trước khi vào viện 4 ngày người này xuất hiện nốt phỏng nước dưới da kèm theo sốt, gai, rét, sau đó đi khám tại phòng khám tư được chẩn đoán thủy đậu và dùng thuốc. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh thủy đậu không thuyên giảm.
Do tình trạng chuyển biến nặng, bệnh nhân được chuyển tới khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt, suy đa phủ tạng, hôn mê, xuất huyết não, có tổn thương phổi, hình ảnh phim chụp có tổn thương tim.
Một ngày sau, bệnh nhân chuyển biến xấu rất nhanh. Các dấu hiệu sinh tồn giảm nên gia đình xin về và tử vong tại nhà. Đây là trường hợp đáng tiếc vì bệnh nhân còn trẻ.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, khoảng một tháng gần đây trung tâm tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mắc thuỷ đậu vào điều trị. Trong đó, đa phần bệnh nhân đã có biến chứng hoặc đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai).
Triệu chứng bệnh thủy đậu
Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước.
Khi bị thủy đậu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 – 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày.
Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày dẫn đến việc phải nghỉ học hoặc nghỉ đến nơi giữ trẻ.
Biến chứng của bệnh thủy đậu
Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Viêm phổi do thủy đậu, ít khi xảy ra hơn, nhưng rất nặng và rất khó trị.
Viêm não do thủy đậu cũng xảy ra, không hiếm: sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, kích thích, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Những trường hợp này có thể mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, chậm phát triển, động kinh…
Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.
Phòng bệnh thủy đậu
Mặc dù bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc-xin.
Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 – 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thuỷ đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm phòng.
Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
Nguồn: [Link nguồn]
Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường.